Sạm nắng – rám nắng: Mọi thông tin cần biết về nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh

Cập nhật: 15/04/2024

Sạm nắng hay rám nắng do đâu? Có nguy hiểm không? Điều trị và phòng tránh như thế nào? Lời giải đáp cho mọi câu hỏi này sẽ có trong bài viết dưới đây.

Rám nắng là gì? Nguyên nhân gây sạm nắng?

Làn da bị sạm nắng hay rám nắng là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tự bảo vệ mình khỏi các tia cực tím (tia UV) gây hại từ ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo (như đèn thuộc da). Melanin là hóa chất gây ra tình trạng này. Khi tiếp xúc với nắng, da sẽ giải phóng melanin để giúp hấp thụ tia UV. Càng tiếp xúc nhiều với tia UV thì cơ thể càng tiết ra nhiều hắc tố và da của bạn càng sẫm màu.

Rám nắng tiếng Anh là sun tanning hoặc tanning
Rám nắng tiếng Anh là sun tanning hoặc tanning

Cụ thể, mặt trời tạo ra 3 loại tia cực tím chính: UVA, UVB và UVC. Tia UVC và một phần tia UVB sẽ bị tầng ozon ngăn chặn lại, không liên quan tới nguyên nhân gây sạm nắng. Bởi vậy, tia UVA và một số tia UVB mới là “thủ phạm” chính gây rám nắng hay sạm nắng.

Tia UVA và tia UVB có bước sóng khác nhau, nên khả năng xuyên qua các lớp da cũng khác nhau. Tia UVB có bước sóng ngắn nên chỉ có thể tác động tới lớp biểu bì. Trong khi đó, tia UVA có bước sóng dài hơn nên có thể xâm nhập sâu vào lớp trung bì và hạ bì – nơi có các mạch máu và dây thần kinh.

Các tia UV gây sạm nắng bằng cách ảnh hưởng đến sắc tố melanin trên da. Melanin là sắc tố trong da được sản xuất bởi các tế bào hắc tố melanocytes và có nhiệm vụ tạo màu sắc cho làn da.

  • Tia UVA: Gây rám nắng bằng cách oxy hóa melanin. Về cơ bản, melanin sẽ trải qua một phản ứng hóa học sau khi tiếp xúc với tia UVA, khiến nó trở nên sẫm màu hơn. Do đó, da trở nên sẫm màu hơn.
  • Tia UVB: Gây rám nắng thông qua thúc đẩy gia tăng sản xuất melanin trong da và những thay đổi khác đối với các tế bào chứa melanin. Những tác động này khiến da trở nên sẫm màu hoặc nám sạm.
Mặt cắt ngang cho thấy màu da trở nên đậm hơn do sản xuất nhiều melanin nhằm khắc phục tổn thương DNA do tia UV
Mặt cắt ngang cho thấy màu da trở nên đậm hơn do sản xuất nhiều melanin nhằm khắc phục tổn thương DNA do tia UV

Bên cạnh ánh nắng mặt trời tự nhiên, để sở hữu làn da rám nắng, nhiều người đã áp dụng phương pháp nhuộm da bằng giường thuộc da (giường tắm nắng hoặc giường nhuộm da). Đây là tình trạng sạm nắng có chủ ý.

Nhiều người không biết rằng bề mặt nước, cát, bê tông và thậm chí cả tuyết cũng có thể phản xạ tia UV. Trượt tuyết và các hoạt động ngoài trời trong mùa Đông cũng làm tăng nguy cơ bị sạm nắng, rám nắng.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc (như thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và thuốc tránh thai) có thể làm tăng độ nhạy cảm của da đối với ánh nắng. Bởi vậy, hãy tham vấn bác sĩ xem loại thuốc mà bạn đang dùng có gây ra tác dụng phụ này không.

Nhận diện sạm nắng, rám nắng và phân biệt với cháy nắng

Dựa theo hệ thống phân loại loại da Fitzpatrick, các kiểu da có khả năng bị rám nắng là từ kiểu II tới kiểu V. Sau khi tiếp xúc với tia cực tím, màu da có thể sẽ bị tối đi trong vòng 2 ngày.

Mức độ và thời gian hồi phục làn da bị rám nắng hay sạm nắng phụ thuộc vào tác nhân gây ra tình trạng này, cơ địa, đặc điểm làn da và khả năng tái tạo da của mỗi người.

Hệ thống phân loại loại da Fitzpatrick
Hệ thống phân loại loại da Fitzpatrick

Vậy, rám nắng có hết được không? Nhìn chung, da bị rám nắng do ánh sáng mặt trời tự nhiên có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày trước khi lớp ngoài của da bắt đầu quá trình thay da tế bào da chết một cách tự nhiên.

Điều này có nghĩa là rám nắng hay sạm nắng sẽ không tồn tại mãi mãi, vì làn da của con người luôn có cơ chế tự phục hồi liên tục đồng thời thay thế những tế bào da mới. Các lớp da cũ bị rám nắng sẽ bị bong ra và thay thế bằng lớp tế bào da mới.

Bên cạnh đó, nhiều người còn nhầm lẫn rám nắng và cháy nắng, dưới đây là cách phân biệt:

Rám nắng hay sạm nắng: Đây là hậu quả của việc để da tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời. Khi tiếp xúc với da, tia cực tím chiếu kích thích quá trình sản sinh ra melanin. Melanin tích tụ càng nhiều, da càng trở nên đen sạm. Nếu chăm sóc da tốt và tránh nắng hiệu quả, sau một thời gian, màu sắc vùng da này có thể cân bằng và trở lại bình thường.

Cháy nắng hay bỏng nắng: Đây là hiện tượng da tiếp xúc với lượng lớn tia cực tím trong thời gian dài. Khi lượng melanin gia tăng quá mức và không thể bảo vệ da, tia cực tím sẽ xâm nhập và làm hỏng tế bào, khiến các mạch máu ở xung quanh mô giãn ra, gây nên cháy nắng, bỏng nắng. Da sẽ bị đỏ, lột da, ngứa rát, phồng rộp, xuất hiện mụn nước… Trong một sống trường hợp nặng, còn xuất hiện các triệu chứng khác, như choáng, sốt, ngất xỉu, nôn…

Sạm nắng, rám nắng có nguy hiểm không?

Sạm nắng có thể ảnh hưởng tới mỗi người theo nhiều cách khác nhau. Với những người chủ động làm da bị sạm nắng, tuy tình trạng này không ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ và tinh thần, nhưng các phương pháp thuộc da có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Giường thuộc da làm tăng nhiều nguy cơ cho sức khỏe
Giường thuộc da làm tăng nhiều nguy cơ cho sức khỏe

Theo một số chuyên gia da liễu, trước đây, nhiều loại giường thuộc da đời cũ tạo ra tia UVB có thể gây bỏng rát. Để khắc phục tác dụng phụ này, nhiều nhà sản xuất đã cho ra mắt mẫu giường thuộc da sử dụng tia UVA. Tia cực tím này tuy không đốt cháy da giống như tia UVB, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng an toàn tuyệt đối. Bởi lẽ, tia UVA được cho là có thể gây ung thư da và các vấn đề về hệ miễn dịch. Hơn nữa, việc thuộc da quá nhiều lần có thể khiến làn da phát sinh nhiều nếp nhăn sâu.

Đối với rám nắng tự nhiên, mặc dù tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở mức độ vừa phải góp phần sản sinh ra sắc tố melanin và vitamin D, giúp mang lại làn da sáng khỏe, nhưng việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây ra nhiều hiểm họa. Theo đó, da dễ bị cháy nắng và lão hóa nhanh hơn. Đây cũng là điều kiện cực thịnh làm xuất hiện nám, tàn nhang, đồi mồi, đốm nâu… khó đảo ngược. Đặc biệt, những người sở hữu nước da sáng dễ bị cháy nắng hơn những người có nước da sẫm màu.

Phơi nắng thường xuyên mà không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu cũng là nguyên nhân thúc đẩy ung thư da và nhiều vấn đề khác.

Da rám nắng phải làm sao?

Như đã nói, làn da rám nắng có thể hồi phục sau một khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn muốn đẩy nhanh quá trình hồi phục của da, hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:

Kem trị rám nắng

Trên thị trường hiện có nhiều loại kem trị rám nắng không cần kê đơn có thể giúp làm sáng da hiệu quả. Viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo nên sử dụng kem trị rám nắng có chứa một trong những thành phần sau đây:

  • Vitamin C
  • Axit glycolic
  • Retinoid như retinol, tretinoin, gel adapalene hoặc tazarotene
  • Axit kojic
  • Axit azelaic

Các thành phần hoạt tính này có thể giúp làm sáng vùng da bị thâm, sạm và khuyến khích tế bào mới phát triển. Một số hoạt chất cũng có thể giúp làm chậm quá trình sản xuất melanin, ngăn ngừa hoặc giảm các đốm nâu, đốm đen. Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ sử dụng một sản phẩm với một thành phần hoạt tính duy nhất tại một thời điểm nhất định nhằm phòng tránh kích ứng da hoặc các tác dụng phụ khác.

Ưu - nhược điểm của các loại kem, gel, serum... trị sạm da
Ưu – nhược điểm của các loại kem, gel, serum… trị sạm nắng, rám nắng

Một số phương pháp điều trị nêu trên chỉ nên áp dụng dưới sự giám sát của bác sĩ da liễu. Bởi lẽ, nếu dùng sau cách, chúng có thể gây kích ứng hoặc viêm da. Trong trường hợp nặng hơn, việc lạm dụng các sản phẩm làm sáng da cũng có thể gây teo da và dẫn đến các vết thâm, nám hoặc sạm màu da vĩnh viễn.

Tẩy da chết/tẩy tế bào da chết

Phương pháp này giúp loại bỏ các tế bào da chết ở lớp ngoài của da, giúp làm sáng da, giảm thâm sạm.

Có 2 kỹ thuật tẩy tế bào chết chính, bao gồm:

  • Kỹ thuật hóa học: Dùng các hóa chất làm tan tế bào da chết, như alpha và beta axit hydroxy. Có tác dụng tốt nhất đối với người da khô và da nhạy cảm.
  • Kỹ thuật cơ học: Sử dụng bàn chải da hoặc bọt biển để loại bỏ các tế bào da chết. Tốt nhất cho người da dầu và có làn da dày, khỏe.
Chải da khô có thể giúp loại bỏ tế bào da chết
Chải da khô có thể giúp loại bỏ tế bào da chết, giúp làm mờ vết sạm nắng

Tuy nhiên, dù bạn sở hữu bất kể loại da nào, hãy nhớ chỉ nên tẩy tế bào chết nhẹ nhàng. Nếu lạm dụng hoặc tác động quá mạnh, làn da có thể bị sưng, đỏ, tổn thương và phát sinh mụn trứng cá. Những người có tông màu da sẫm hơn có thể thấy rằng tẩy tế bào chết quá mức có thể gây ra các đốm đen trên da.

Lưu ý: Nên dưỡng ẩm cho da sau khi tẩy da chết để tránh khô da.

Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên

Các nguyên liệu tự nhiên dưới đây có thể hỗ trợ trị rám nắng hiệu quả:

Gel nha đam/lô hội:

  • Giúp làm dịu da, chống viêm nhiễm, ngăn chặn giải phóng melanin và giúp làm giảm sắc tố.
  • Chỉ cần lấy gel nha đam tươi (hoặc các loại kem nha đam) thoa trực tiếp lên vùng da bị sạm nắng hay rám nắng.

Nghệ vàng:

  • Giúp làm sáng da, bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời và cải thiện độ ẩm của da.
  • Thoa kem nghệ lên vùng da bị sạm nắng hoặc đắp mặt nạ tinh bột nghệ để trị mặt bị rám nắng.
Trị sạm nắng, rám nắng tại nhà cần thận trọng
Trị sạm nắng, rám nắng tại nhà cần thận trọng

Trà đen:

  • Chiết xuất trà đen có thể làm mờ vết sạm nắng hay rám nắng.
  • Bạn có thể tìm mua các loại kem bôi da có thành phần trà đen.

Cách loại bỏ thâm sạm sau khi thuộc da

Đối với những người có làn da rám nắng sau khi thuộc da và muốn hồi phục làn da trở về trạng thái bình thường vì một lý do nào đó, hoặc làm đều màu da, có thể áp dụng các cách sau:

Tắm sạch:

  • Đây là cách đơn giản nhất để loại bỏ các vệt rám nắng sau khi thuộc da.
  • Nên sử dụng thêm sữa tắm hoặc dùng khăn mềm để cọ da.

Baking soda:

  • Trộn baking soda với lượng nước vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt và sử dụng hỗn hợp này để tẩy tế bào da chết.
  • Chà hỗn hợp trên da theo chuyển động tròn, sau đó tắm sạch.

Sản phẩm tẩy da nhuộm:

  • Bạn có thể tìm mua các loại xà phòng, kem bôi da hoặc găng tay tẩy tế bào chết.
  • Nên chọn sản phẩm uy tín, có thương hiệu.

Một số lưu ý khi trị da sạm nắng

Nhiều vlogger và blogger làm đẹp đưa ra lời khuyên về việc tự tẩy da chết để phục hồi làn da sạm nắng – rám nắng, nhưng độc giả cần tỉnh táo, vì không phải mẹo nào cũng an toàn.

Dưới đây là một số ví dụ về các phương pháp trị da sạm nắng cần tránh:

Nước cốt chanh:

  • Nước cốt chanh có thể làm sáng da, loại bỏ vết rám nắng rất tốt. Tuy nhiên, nước cốt chanh chưa pha loãng có thể gây hại cho da, gây kích ứng và khiến da dễ bắt nắng.
  • Nếu bạn vẫn muốn sử dụng phương pháp này, nên pha loãng nước cốt chanh trước khi sử dụng và tránh nắng tốt sau đó.

Kem trộn:

  • Các loại kem trộn tuy làm trắng da nhanh, nhưng chúng có thể chứa các hóa chất gây kích ứng, chứa corticoid bào mòn da và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.
  • Chỉ nên mua các loại kem bôi da, kem làm sáng da từ thương hiệu uy tín.

Nước lau kính:

  • Đây là mẹo trị sạm nắng của nữ người mẫu người Mỹ Ashley Graham. Tuy nhiên, điều này không an toàn.
  • Dung dịch nước lau kính chứa các hóa chất mạnh có thể gây tổn thương, bào mòn da và ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể.

Phòng chống sạm nắng, rám nắng như thế nào?

Tránh nắng hoàn toàn có vẻ là giải pháp chống sạm nắng, rám nắng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều này là bất khả thi đối với đại đa số người hiện đại. “Chìa khóa” để chống rám sạm là tận hưởng ánh nắng mặt trời một cách hợp lý, cân bằng giữa việc chống nắng và các hoạt động ngoài trời.

Kem chống nắng giúp ngăn chặn hoặc thay đổi tác động của các tia cực tím có hại từ ánh nắng mặt trời. Đây cũng là một trong những biện pháp bảo vệ da, phòng chống sạm nắng tốt nhất.

Khi sử dụng kem chống nắng, nên chú ý tới chỉ số SPF. Chỉ số này cho thấy mức độ bảo vệ da khỏi tia UVB.

Dưới đây là một số lưu ý trong phòng chống sạm nắng, rám nắng:

  • Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 mỗi ngày, ngay cả trong mùa Đông và những ngày nhiều mây, âm u.
  • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng để ngăn chặn cả tia UVA và UVB.
  • Thoa lại kem chống nắng sau mỗi 30 phút đến 2 tiếng.
  • Thoa lại kem chống nắng sau khi bơi hoặc đổ nhiều mồ hôi.
  • Tránh ra ngoài trời trong thời điểm nắng gắt (từ 10 giờ sáng đến 3 – 4 giờ chiều).
  • Đội mũ có vành rộng hoặc che ô, mặc quần áo dài và đeo kính râm mỗi khi ra ngoài trời.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày và ăn thực phẩm lành mạnh.

Với những thông tin về sạm nắng – rám nắng trên đây, hy vọng rằng độc giả đã nắm được nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC