Bệnh trĩ: Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thế nào hiệu quả?

Bệnh trĩ là bệnh có tỷ lệ người mắc khá cao trong nhóm bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Tình trạng bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, tìm hiểu bệnh trĩ để có cách phòng ngừa và điều trị ngay từ ban đầu là hết sức cần thiết.

Bệnh trĩ là bệnh gì?

Bệnh trĩ là bệnh về hậu môn có tỉ lệ mắc khá cao trong xã hội (khoảng 60%). Đây là hệ quả trực tiếp của tình trạng sưng của các mao mạch ở vị trí cuối trực tràng, xung quanh hậu môn. Do một số tác động khiến mao mạch bị ứ máu, từ đó dẫn đến cảm giác đau khó chịu, đặc biệt khi ngồi hoặc đi đại tiện.

Phân độ trĩ:

  • Bệnh trĩ độ 1: Đây là tình trạng bệnh ở giai đoạn mới phát, búi trĩ vẫn nằm gọn trong ống trực tràng, không bị sa tụt khi đại tiện. Trĩ giai đoạn này dễ gây  đại tiện ra máu tươi (chiếm 80 – 90%).
  • Bệnh trĩ độ 2: Đặc trưng giai đoạn này là  búi trĩ phát triển to rõ rệt và lòi hẳn ra khỏi lỗ hậu môn khi đại tiện và có thể kèm theo tiết dịch gây ẩm ướt hậu môn. Tuy nhiên, bình thường búi trĩ có thể tự co vào mà không cần sử dụng tay.
  • Bệnh trĩ độ 3: Các búi trĩ có xu hướng gia tăng kích thước, gây chảy máu kéo dài và lòi hẳn ra bên ngoài khi đại tiện, lao động nặng,… Ở giai đoạn này búi trĩ không tự co vào mà bắt buộc người bệnh phải dùng tay đẩy.
  • Bệnh trĩ độ 4: Đây là giai đoạn bệnh nặng nhất, các búi trĩ ứ máu, gia tăng kích thước và phát triển các búi trĩ phụ. Búi trĩ thường xuyên nằm ngoài hậu môn, gây ẩm ướt, đau rát, tiết dịch mất vệ sinh, chảy máu và không thể co vào ngay cả khi dùng tay đẩy.
Các cấp độ bệnh trĩ
Các cấp độ bệnh trĩ

Các loại trĩ thường gặp

Dựa vào vị trí và dấu hiệu nhận biết, bệnh trĩ thường được chia làm 3 loại chính:

Bệnh trĩ nội

Trĩ nội là tình trạng búi trĩ xuất hiện bên trong của ống hậu môn, bình thường người bệnh không thể nhìn thấy do chúng nằm sâu trong hậu môn. Tuy nhiên,  khi  búi trĩ phát triển to ra có thể gây sưng và bị lồi ra khỏi hậu môn gây đau nhức dữ dội, nhất là khi ngồi.

  • Cấp độ 1: Trĩ mới phát triển nên chưa có triệu chứng rõ ràng và người bệnh thường không phát hiện ra.
  • Cấp độ 2: Các búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện và có thể tự co lại. Dấu hiệu phát hiện bệnh là xuất hiện máu trong hậu môn, gây đau rát.
  • Cấp độ 3: Búi trĩ có xu hướng sa ra ngoài nhiều hơn và phải dùng tay để đẩy vào.
  • Cấp độ 4: Búi trĩ phát triển lớn, không đẩy được vào trong và dễ bị lầm tưởng là bệnh trĩ ngoại.

Bệnh trĩ ngoại

Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ hình thành ngay phần rìa ngoài của hậu môn và được che phủ dưới da. Trong một số trường hợp người bệnh có thể quan sát thấy những cục u xuất hiện trên bề mặt hậu môn. Búi trĩ để lâu kích thước phát triển to dễ dẫn tới viêm nhiễm.

  • Cấp độ 1: Búi trĩ bắt đầu hình thành và xuất hiện ở ngoài hậu môn và chưa gây khó chịu cho người bệnh.
  • Cấp độ 2: Các búi trĩ phát triển to và ngoằn ngoèo.
  • Cấp độ 3: Búi trĩ gây tắc nghẽn gây ra các cơn đau khó chịu và có thể bị chảy máu.
  • Cấp độ 4: Búi trĩ bị viêm, nhiễm trùng và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh trĩ hỗn hợp

Đây là trường hợp bệnh nhân mắc cả tình trạng trĩ nội và trĩ ngoại. Nếu gặp phải dạng trĩ này quá trình điều trị thường gặp nhiều khó khăn hơn.

  • Cấp độ 1: Búi trĩ hình thành ở cả bên ngoài và bên trong, gây chảy máu hậu môn.
  • Cấp độ 2: Búi trĩ bên trong có dấu hiệu sa ra ngoài và có thể tự thụt vào.
  • Cấp độ 3: Trĩ nội có thể sa ra ngoài và phải dùng tay mới có thể đẩy vào được.
  • Cấp độ 4: Búi trĩ nội sa ra ngoài cùng búi trĩ ngoại kết hợp thành búi trĩ to và có thể gây hoại tử vùng hậu môn.

Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

Một số nguyên nhân bệnh trĩ phát triển và gây khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày là:

  • Rối loạn tiêu hóa mãn tính: Tình trạng kiết lỵ, tiêu chảy, táo bón kéo dài có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn. Từ đó gây suy yếu, phình giãn thành mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
  • Ảnh hưởng của các giai đoạn sinh lý: Một số giai đoạn sinh lý như mang thai, hành kinh, quá trình sinh nở và rối loạn nội tiết tố có thể tạo áp lực lên trực tràng – hậu môn và gây bệnh.
  • Thói quen ăn uống: Các thói quen xấu có thể gây bệnh trĩ là: Ăn ít chất xơ, ăn uống quá nhiều 1 lúc, sử dụng đồ uống chứa cafein, lạm dụng rượu bia, ăn thức ăn khó tiêu hóa.
  • Béo phì: Dư thừa cân nặng quá mức có thể làm gia tăng áp lực lên tĩnh mạch ở vùng hậu môn. Kèm theo thói quen lười vận động, tĩnh mạch có thể bị suy yếu, giãn phình, ứ máu và tạo thành búi trĩ.
  • Dị ứng tại chỗ: Tình trạng giãn phình tĩnh mạch ở ống trực tràng cũng có thể do dị ứng một số loại thuốc đặt, thuốc bôi hậu môn.
  • Một số nguyên nhân khác: Các nguyên nhân khác có thể xuất hiện trĩ ở hậu môn là: Thói quen nhịn đại tiện, nhiễm khuẩn hậu môn, lao động nặng nhọc, tập thể dục quá mức, giao hợp qua đường hậu môn, di truyền, ngồi nhiều,…
Có rất nhiều nguyên nhân gây trĩ trong đó chủ yếu là do thói quen trong sinh hoạt
Có rất nhiều nguyên nhân gây trĩ trong đó chủ yếu là do thói quen trong sinh hoạt

Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ

Cách nhận biết bệnh trĩ chính xác thường dựa trên một số dấu hiệu lâm sàng như:

  • Chảy máu báo hiệu dấu hiệu bị trĩ: Chảy máu là dấu hiệu bệnh trĩ thường gặp và xuất hiện sớm nhất. Người bệnh phát hiện chảy máu khi đi đại tiện, máu dính trên phân, máu nhỏ giọt thành tia, hoặc dính trên giấy lau. Khi có dấu hiệu chảy máu người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám để xác định tình trạng này do trĩ hay bệnh lý khác.
  • Biểu hiện bệnh trĩ – Rát, đau buốt hậu môn: Bên cạnh chảy máu, đau rát hậu môn cũng là một trong những dấu hiệu bệnh dễ nhận biết nhất. Thông thường, cơn đau hậu môn do bị trĩ thường kéo dài vài tiếng đồng hồ, âm ỉ nhất là sau khi đã đại tiện xong.
  • Sa búi trĩ: Sa búi trĩ là dấu hiệu nhận biết bệnh ở giai đoạn đã nặng, chủ yếu gặp ở bệnh nhân trĩ nội cấp độ 2 – 3. Các búi trĩ khi đó có kích thước lớn, có xu hướng sa ra ngoài. Tình trạng bệnh nhẹ có thể tự co lại sau khi đi vệ sinh, nhưng lâu ngày phải dùng tay hoặc hoàn toàn không đẩy vào được.
  • Viêm nhiễm hậu môn: Búi trĩ nội bị sa ra ngoài hoặc búi trĩ ngoại có kích thước lớn sẽ liên tục tiết dịch gây ra ẩm ướt. Đây là môi trường thuận lợi để nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn phát triển và gây ra tình trạng viêm nhiễm hậu môn.
  • Máu vón cục và dịch nhầy tràn ra ngoài: Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như: Ngứa hậu môn, máu vón cục, dịch tiết vùng hậu môn,…

Bệnh trĩ có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh

Triệu chứng bệnh trĩ ban đầu không gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh phát triển đến cấp độ 3 mà không được điều trị kịp thời thì RẤT NGUY HIỂM. Giai đoạn nặng người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề sau:

  • Thiếu máu: Búi trĩ có thể gây chảy máu hậu môn, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây thiếu máu cấp (cấp độ 3) và thiếu máu mãn tính (cấp độ 4). Khi đó người bệnh thường mệt mỏi, xanh xao, giảm mức độ tập trung, sụt giảm cân,…
  • Xuất hiện huyết khối ở búi trĩ: Một số trường hợp có thể xuất hiện cục máu đông ở búi trĩ do chấn thương búi trĩ, hoạt động co thắt quá mức của cơ thắt hậu môn, chảy máu kéo dài,… Tình trạng này có thể làm gián đoạn quá trình tuần hoàn máu, gây sưng viêm, phù nề và người bệnh phải chịu cơn đau nhức dữ dội.
  • Nghẹt búi trĩ: Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc trĩ nội. Bệnh thường xảy ra khi búi trĩ sa ra ngoài hoàn toàn, kích thích cơ vòng hậu môn co thắt mạnh và khiến búi trĩ phù nề, thiếu máu nuôi dưỡng. Biến chứng kéo dài có thể gây viêm sưng, chảy máu, nguy hiểm hơn là hoại tử.
  • Rối loạn chức năng cơ thắt: Khi búi trĩ sa ra ngoài trong thời gian dài có thể gây suy giảm hoạt động của cơ thắt hậu môn dẫn đến mất tự chủ khi trung tiện và đại tiện. Bên cạnh đó, búi trĩ sưng phù có thể kích thích cơ thắt tăng trương lực, co thắt mạnh và gây ra các cơn đau dữ dội.
  • Vỡ búi trĩ: Búi trĩ bị vỡ có thể gây đau dữ dội và tụ máu cấp tính ở rìa hậu môn và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hoặc hoại tử nếu không xử lý đúng cách. Đây là biến chứng thường gặp ở trường hợp mắc bệnh trĩ ngoại.
  • Trĩ vòng: Trĩ vòng là tình trạng búi trĩ sa hẳn ra ngoài hậu môn, kết hợp với nhau tạo thành vòng trĩ và gây sa niêm mạc trực tràng. Đây là biến chứng thường gặp nhất và chỉ có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật.
  • Gây ra các bệnh lý ở hậu môn – trực tràng: Các bệnh lý có thể mắc phải là: Áp xe quanh hậu môn, nứt hậu môn, viêm nhiễm, rò hậu môn,…
Búi trĩ to mà không được loại bỏ có thể gây biến chứng rất nguy hiểm
Búi trĩ to mà không được loại bỏ có thể gây biến chứng rất nguy hiểm

Cách chẩn đoán bệnh trĩ

Dấu hiệu trĩ giai đoạn đầu thường giống với bệnh về hậu môn và trực tràng, do đó việc thăm khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là hết sức cần thiết. Các bác sĩ thường chẩn đoán tình trạng trĩ bằng cách:

Khám lâm sàng:

Sau khi tiến hành thăm hỏi về triệu chứng, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nằm theo tư thế đã được hướng dẫn:

  • Bệnh nhân nam thường được chỉ định nằm ngửa, tay ôm 2 đầu gối.
  • Bệnh nhân nữ thường nằm nghiêng sang 1 bên, quay lưng về bác sĩ, lưng hơi cong, đầu hơi gập, 2 chân để đan xen.

Sau đó, bác sĩ tiến hành quan sát và sờ nắn vùng hậu môn để xác định tình trạng bệnh.

Khám cận lâm sàng:

Nếu khám lâm sàng phát hiện búi trĩ nội, triệu chứng bệnh nặng kèm theo một số bệnh về hậu môn, bác sĩ sẽ yêu cầu khám cận lâm sàng. Cách để kiểm tra chính xác nhất là sử dụng ống nội soi hậu môn.

Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ xác định được dạng trĩ cũng như cấp độ trĩ mà người bệnh đang gặp phải và đưa ra cách xử lý phù hợp.

Bệnh trĩ có khó chữa không? Cách điều trị bệnh trĩ hiệu quả

Bệnh trĩ không khó chữa khi phát hiện và sử dụng các phương pháp điều trị ngay từ cấp độ 1. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ở cấp độ cao việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và cần thời hồi phục lâu.

Một số cách giúp điều trị tận gốc tình trạng trĩ gây khó chịu cho người bệnh là:

Mẹo điều trị bệnh tại nhà

Các mẹo điều trị bệnh tại nhà có hiệu quả cao đối với trường hợp trĩ cấp độ 1. Người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian trị bệnh trĩ đơn giản sau:

Dùng bài thuốc dân gian từ rau diếp cá

Có rất nhiều bài thuốc dân gian mang lại hiệu quả giảm trĩ cao trong đó có bài thuốc từ rau diếp cá. Cách sử dụng bài thuốc như sau:

Lấy 1 nắm rau diếp cá tươi đem rửa sạch với nước muối loãng rồi đun sôi với nước trong khoang 3 – 5 phút. Sau đó đổ nước nóng ra chậu và thực hiện xông hậu môn khoảng 10 phút. Xông đến khi nước còn ấm thì lấy lá đắp và dùng nước rửa hậu môn.

Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp uống 1 cốc nước ép rau diếp cá mỗi ngày giúp mang lại hiệu quả cải thiện triệu chứng trĩ tốt hơn.

Sử dụng các bài tập thể dục

Tập thể dục cũng là một trong những cách giúp hạn chế búi trĩ sa ra ngoài và giảm triệu chứng bệnh hiệu quả. Người bệnh có thể tham khảo và áp dụng bài tập đơn giản sau:

Chuẩn bị một chiếc ghế có điểm tựa, sau đó trong tư thế ngồi trên ghế tựa, thả lỏng toàn thân. Tập trung tư tưởng vào vùng hậu môn rồi từ từ co thắt niệu đạo và cơ vòng trực tràng sau đó thả lỏng (người bệnh có thể tưởng tượng giống khi nhịn đi đại tiện). Lặp lại động tác khoảng 50 – 100 lần, mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần để có hiệu quả tốt nhất.

Chườm đá

Mỗi ngày chườm đá vào hậu môn cũng là mẹo giúp giảm sưng đau búi trĩ ngay tại nhà và rất dễ thực hiện. Người bệnh dùng đá chườm vào hậu môn vài lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút. Lưu ý: Sau mỗi lần chườm đá nên đắp khăn ấm lên vùng hậu môn.

Chườm đá là cách giảm triệu chứng bệnh tại nhà hiệu quả
Chườm đá là cách giảm triệu chứng bệnh tại nhà hiệu quả

Các mẹo dân gian này thường mang hiệu quả tức thời và chủ yếu làm giảm triệu chứng bệnh. Do đó, khi bệnh ở cấp độ 2 – 4 người bệnh chỉ có thể áp dụng các mẹo này để hỗ trợ điều trị.

Điều trị bằng Tây y

Điều trị trĩ trong Tây y có thể sử dụng phác đồ điều trị ngoại khoa hoặc nội khoa tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể.

Phác đồ điều trị nội khoa

Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trĩ cấp độ 1 — 3 và chưa có dấu hiệu hoại tử  hoặc biến chứng các bác sĩ có thể chỉ định thuốc Tây y để điều trị. Một số thuốc thường được kê đơn điều trị triệu chứng bệnh trĩ là:

  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện tiêu chảy, táo bón và làm giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn, ngăn ngừa viêm nhiễm.
  • Thuốc mỡ và thuốc đặt hậu môn: Các loại thuốc có chứa hydrocortisone và các thành phần làm mềm như Glycerin, Vitamin E,… Đây là loại thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm ngứa ngáy, giúp phân dễ dàng đào thải ra bên ngoài, và hạn chế ma sát dẫn đến chảy máu búi trĩ.
  • Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm đặc trưng là NSAID có thể được sử dụng nhằm giảm viêm, phù nề và đau nhức. Tuy nhiên cần tránh sử dụng cho đối tượng có tiền sử viêm loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa.
  • Thuốc làm bền thành mạch: Hesperidin, Disomine và Daflon là thuốc thuộc nhóm làm bền thành mạch thường dùng. Cac loại thuốc này có tác dụng làm bền và giảm tính thấm mao mạch, từ đó hạn chế ứ máu, ngăn chặn búi trĩ gia tăng kích thước và phòng ngừa nguy cơ vỡ búi trĩ.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc được sử dụng khi có dấu hiệu viêm nhiễm hậu môn để tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế biến chứng hoại tử. Các bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống.

Các loại thuốc Tây y điều trị trĩ có thể để lại tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong thời gian điều trị, nếu gặp bất cứ phản ứng thuốc nào cần ngưng sử dụng và bác lại bác sĩ để có phương án giải quyết kịp thời.

Phác đồ điều trị ngoại khoa

Một số phương pháp phẫu thuật trĩ được áp dụng hiện nay là:

Phương pháp cắt búi trĩ Milimorn Morgan

Đây là phương pháp các bác sĩ thực hiện cắt riêng từng búi trĩ nhưng vẫn giữ mảnh da ở giữa các búi, sau đó khâu lại. Phương pháp này phù hợp với bệnh nhân mắc bệnh trĩ nội cấp độ 3 – 4 hoặc trĩ nội cấp độ 2 nhưng chảy máu.

Ưu điểm: Ít gây biến chứng sau khi cắt và tỉ lệ tái phát thấp.

Nhược điểm: Phương pháp có thời gian hồi phục lâu, gây đau đớn sau khi phẫu thuật, dễ nhiễm trùng.

Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ bằng Longo

Cắt bằng Longo là phương pháp phẫu thuật bệnh trĩ được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Bác sĩ dùng máy khâu vòng để cắt 1 khoanh dài khoảng 3 – 4cm trên đường lược để làm giảm lượng máu đến tĩnh mạch ở búi trĩ và khiến chúng teo nhỏ lại.

Phương pháp này thường áp dụng cho trường hợp bệnh cấp độ 2 – 3 hoặc người mắc trĩ vòng.

Ưu điểm: Thực hiện nhanh trong vòng 30 phút và có tỉ lệ tái phát thấp.

Nhược điểm:  Gây đau và cần thời gian hồi phục.

Phẫu thuật là giải pháp giúp loại bỏ hoàn toàn búi trĩ
Phẫu thuật là giải pháp giúp loại bỏ hoàn toàn búi trĩ

Phẫu thuật cắt trĩ bằng HCPT

Đây là biện pháp cắt trĩ bằng tần sóng cao HCPT ở nhiệt độ 70 – 80 độ C làm đông mạch máu. Từ đó hình thành các mô sẹo tại tĩnh mạch khiến búi trĩ bị thắt nút, không có máu duy trì và sau đó tiến hành cắt búi trĩ tận gốc.

Ưu điểm: Là phương pháp cắt trĩ hiện đại, không gây đau hoặc đau ít, thời gian hồi phục nhanh chóng.

Phẫu thuật giúp loại trừ bệnh trĩ một cách nhanh chóng nhưng có thể gây viêm nhiễm nếu quá trình thực hiện không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh có thể tái phát lại sau 1 thời gian ngắn thực hiện phẫu thuật. Vì vậy các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân điều trị ngay từ ban đâu khi còn có thể dùng thuốc trị bệnh.

Phẫu thuật búi trĩ chỉ nên thực hiện khi:

  • Đối với trĩ ngoại: Xuất hiện các mẩu da thừa và hình thành khối huyết gây gián đoạn tuần hoàn máu.
  • Đối với trĩ nội: Búi trĩ có kích thước lớn, bị sa ra ngoài lâu ngày và gây biến chứng nặng.
  • Hiện tượng bệnh trĩ kèm theo các triệu chứng bệnh như: Viêm quanh hậu môn, nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn, polyp trực tràng,…
  • Búi trĩ bị nhiễm trùng nặng và có dấu hiệu hoại tử.

Thuốc Đông y trị bệnh trĩ hiệu quả

Sử dụng thuốc Đông y điều trị tận gốc tình trạng trĩ là giải pháp được đánh giá an toàn và mang lại hiệu quả khá cao. Người bệnh có thể tham khảo và áp dụng một số bài thuốc Đông y trị trĩ sau:

Bài thuốc 1: Bài thuốc sắc uống

Sử dụng các vị thuốc như: Sinh địa, bạch thược mỗi vị 12g, trắc bá diệp, hắc chi ma mỗi vị 12g; đương quy, xuyên khung, hòe hoa, đào nhân mỗi vị 8g; chỉ xác 9g và đại hoàng 4g.

  • Cách dùng: Đem các vị thuốc sắc với nước và dùng để uống hàng ngày, mỗi ngày dùng 1 tháng.
  • Công dụng: Điều trị trĩ nội, trĩ ngoại kèm theo các triệu chứng khô họng, miệng khát, huyết ứ, thiếu máu, chóng mặt, ù tai, sắc mặt trắng, rêu lưỡi trắng, người mệt mỏi, hơi thở ngắn,…

Bài thuốc 2: Bài thuốc ngâm rửa hậu môn

Sử dụng các vị thuốc: Rau sam tươi 60g; ngũ bội tử, hòe hoa mỗi vị 30g; mộc qua 18g; bạch chỉ, xuyên tiêu, cam thảo mỗi vị 12g và sinh bạch phàn 9g.

  • Cách dùng: Đun các vị thuốc với nước và dùng để ngâm rửa hậu môn hằng ngày.
  • Công dụng: Ngâm rửa hậu môn hàng ngày bằng bài thuốc Đông y này giúp giữ cho hậu môn và búi trĩ luôn trong tình trạng khô ráo, sạch sẽ tránh bị viêm nhiễm nặng hơn.

Bài thuốc 3: Bài thuốc bôi

Sử dụng các vị thuốc: Tô mộc 30g, sa sàng, ngũ bội, hoàng bá mỗi vị 20g và binh lang 10g.

  • Cách dùng: Đem các vị thuốc giã nhuyễn và dùng bôi trực tiếp lên hậu môn.
  • Công dụng: Bài thuốc bôi được sử dụng khi búi trĩ đã bị sa ra ngoài.
  • Lưu ý: Nên dùng thuốc bôi sau khi đã vệ sinh hậu môn sạch sẽ để đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể điều trị tại nhà bằng bài thuốc bôi Đông y
Có thể điều trị tại nhà bằng bài thuốc bôi Đông y

Các bài thuốc Đông y cần thực hiện hàng ngày và trong thời gian dài mới có thể giảm nhanh các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt để tránh bệnh biến chứng nặng hơn hoặc tái phát lại sau điều trị.

Cách phòng ngừa trĩ tái phát

Các biện pháp giúp phòng ngừa tái phát trĩ sau khi điều trị bệnh nhân cần ghi nhớ là:

  • Bổ sung nhiều chất xơ vào bữa ăn hàng ngày để hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp phân không bị cứng và khô.
  • Thường xuyên uống nước đầy đủ, có thể uống nước ép hoa quả thay cho nước lọc để bổ sung thêm dưỡng chất cho cơ thể.
  • Người bệnh cần hạn chế tối đa việc rặn khi đại tiện, tránh nhịn đại tiện và giữ vệ sinh hậu môn sạch sẽ, khô ráo.
  • Nếu cơ thể có dấu hiệu thừa cân cần thực hiện chế độ kiểm soát cân nặng để tránh tình trạng gây thêm áp lực cho cơ thắt hậu môn.
  • Không nên ngồi trong nhiều giờ, cần thực hiện vận động thường xuyên để giảm nguy cơ bệnh trĩ tái phát.
  • Mặc quần rộng rãi tránh cọ sát cũng là cách giúp điều trị bệnh đạt hiệu quả cao và tránh tái phát sau khi điều trị.
  • Nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở ý tế để thăm khám và xử lý kịp thời.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về bệnh trĩ, hy vọng những thông tin này giúp ích cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Nếu người bệnh còn băn khoăn vấn đề gì có thể để lại câu hỏi các chuyên gia sẽ hỗ trợ và giải đáp.

Theo: Y tế Bắc Kạn

4.9/5 - (8 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *