Vảy nến trên da: Chẩn đoán nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Vảy nến là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp nhất hiện nay. Đây là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều người bởi đây là bệnh lý không thể trị khỏi hoàn toàn, khả năng tái phát rất cáo và khiến người bệnh luôn trong trạng thái khó chịu. Nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến là gì, làm thế nào để khắc phục và kiểm soát bệnh tốt nhất.

Vảy nến là bệnh gì?

Vảy nến tiếng anh là bệnh Psoriasis là một hiện tượng bệnh lý mãn tính trên da có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng từ người trưởng thành, người già cho đến trẻ nhỏ. Bệnh thường tự xuất hiện và tự biến mất và tái phát lại rất nhiều lần sau đó đặc biệt là vào khoảng thời gian giao mùa. Những tế bào da khi bị viêm, tự tái tạo lại, tích tụ thành những lớp vảy trên bề mặt. Ở trẻ nhỏ, độ tuổi từ 7 – 10 tuổi thường có tỉ lệ mắc cao hơn, còn ở người trưởng thành, bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Bệnh vảy nến có thể xảy ra đối với bất kỳ đối tượng nào
Bệnh vảy nến có thể xảy ra đối với bất kỳ đối tượng nào

Triệu chứng bệnh vảy nến là gì? Khi nào cần thăm khám chuyên khoa

Cùng với triệu chứng xuất hiện các mảng da, vảy da trên bề mặt nhưng thực chất vảy nến có khá nhiều dạng khác nhau, với những triệu chứng riêng biệt.

  • Vảy nến bệnh học có mảng bám: Đây là dạng vảy nến thường gặp nhất, chiếm đến 70 – 80% trường hợp mắc bệnh. Triệu chứng chính của dạng này là xuất hiện các mảng da nổi lên trên bề mặt với kích thước từ 2 – 20 cm. Vùng da thường bị mắc bệnh có thể kể đến như: vùng dưới lưng, đầu gối,  khuỷu tay,…
  • Vảy nến kèm theo mủ: Tương tự như vảy nến có mảng bám nhưng có xuất hiện thêm các vùng bị mụn mủ. Vảy nến mụn mủ có thể khiến người bệnh bị rát hơn vì mụn mủ có thể bị vớ bất cứ lúc nào. Dạng vảy nến này thường gặp ở trên các ngón tay, bàn tay hoặc bàn chân.
  • Vảy nến hình giọt nước: Các vùng da bị vảy nến xuất hiện những vết có hình dáng giống giọt nước với kích thước 1 – 10cm. Các vết này có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, ở trẻ em, dạng bệnh này thường xuất hiện sau khi bị viêm họng được chẩn đoán do Streptococcus gây nên,
  • Vảy nến trên da đầu: Tình trạng ban đầu khiến nhiều người lầm tưởng là gàu tóc. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, các mảng da đầu có vảy, màu trắng bạc sẽ dày và kích thước rộng hơn.
  • Vảy nến ở các nếp gấp: Thường xảy ra ở những người bị béo phì, dạng bệnh này khiến các vùng da nếp gấp như nách, bẹn, mông,… bị tổn thương. Các vùng da này thường sẽ có màu đỏ, đau rát nhất là khi di chuyển, cọ xát.
  • Vảy nến móng: Không chỉ xuất hiện trên da, vảy nến còn có thể xảy ra đối với móng tay hoặc móng chân người bệnh. Dạng bệnh này có biểu hiện là tình trạng móng trở nên dày hơn bất thường và xuất hiện những lỗ nhỏ trên bề mặt móng.
  • Vảy nến toàn thân: Tuy ít gặp nhưng cũng không phải không xuất hiện. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn bệnh vảy nến có thể xuất hiện toàn thân khiến làn da bị đỏ, ngứa, đau rát vô cùng nguy hiểm.
  • Viêm khớp vảy nến: Bệnh viêm khớp vảy nến rất phổ biến hiện nay, thường xuất hiện ở ngón tay, cổ tay, ngón chân. Những người mắc bệnh thường bị sưng khớp, sưng đầu ngón tay, các khớp xương đau nhức cản trở nhiều đến hoạt động hàng ngày.
Vảy nến có thể xuất hiện trên da dưới nhiều dạng khác nhau
Vảy nến có thể xuất hiện trên da dưới nhiều dạng khác nhau

Hầu hết những dạng trên đều có triệu chứng chung là bong tróc da, ngứa, đau rát khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt.

Bệnh có bị lây không?

Tỷ lệ những người mắc bệnh vảy nến chiếm khoảng 5 – 7% những người có vấn đề về da liễu. Đây là một căn bệnh không bị lây nhưng có thể kéo dài dai dẳng và cực kỳ khó chữa tận gốc.

Hãy yên tâm vì bệnh không lây qua người với người khi tiếp xúc da với nhau, do đó chúng ta không cần quá lo lắng hay đề phòng khi gặp gỡ những người mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể được liệt kê vào các bệnh có tính di truyền. Nếu có bố hoặc mẹ đã từng bị vảy nến, tỉ lệ con sinh ra mắc bệnh là khoảng 10%. Nếu cả bố và mẹ đều mắc thì tỉ lệ này có thể lên đến 40%.

Bệnh vảy nến nguy hiểm không?

50% trường hợp mắc bệnh vảy nến da cho biết họ bị làm phiền bởi cảm giác ngứa ngáy tại các vùng da bị tổn thương. Đa số họ đều phải dùng đến các loại kem bôi, thuốc bôi ngoài da để cải thiện tình trạng này.

Vảy nến tưởng chừng không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng đây hoàn toàn không phải là một bệnh lý có thể chủ quan. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh vẩy nến có thể gây nên một vài biến chứng như:

  • Biến chứng về thận: Bệnh có thể ảnh hưởng đến thận, khiến bệnh thận nặng hơn và có thể chính là nguyên nhân gây nên chứng thận hư, suy thận. Các loại thuốc điều trị bệnh vảy nến nếu không dùng theo chỉ định cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với chức năng thận.
  • Biến chứng huyết áp, tim mạch: Vảy nến trên da có thể làm gia tăng nguy cơ khiến người bệnh bị tăng huyết áp. Tương tự như với bệnh thận, thuốc chữa vảy nến cũng có những tác dụng phụ khiến cholesterol trong máu tăng cao, gia tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, xơ vữa động mạch.
  • Rối loạn chuyển hóa: Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh vảy nến với các tình trạng rối loạn chuyển hóa như rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì,…
  • Nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2: Người bệnh vảy nến ở cấp độ nặng sẽ rất dễ mắc tiểu đường tuýp 2.

Ngoài ra, bệnh vảy nến cũng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và tâm lý người bệnh. Những người bị vảy nến thường luôn cảm thấy ngứa ngáy, không tập trung vào công việc, dễ cáu gắt, nổi nóng. Nếu vảy nến xuất hiện ở các vùng da như tay, mặt, ngực càng khiến người bệnh có tâm lý e ngại khi gặp gỡ hay tiếp xúc với người khác.

Nguyên nhân bệnh vảy nến thường gặp

Không có kết luận chính xác về nguyên nhân chính gây nên bệnh vảy nến trên da, tuy nhiên dựa vào những trường hợp mắc bệnh, các chuyên gia đã đưa ra một vài yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người như sau:

  • Suy yếu, rối loạn tế bào miễn dịch: Các tế bào T (Lympho T) đóng vai trò là lá chắn giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh bên ngoài môi trường. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch gặp vấn đề, các tế bào T lại quay ngược tấn công các tế bào khỏe mạnh. Đây là một sự nhầm lẫn khiến cơ chế chữa lành vết thương hoạt động mạnh hơn, tế bào da tăng sinh và chết đi một cách nhanh chóng hơn so với bình thường. Điều này khiến các lớp tế bào da chồng lên nhau, tạo nên các mảng vảy, các mảng da bị tổn thương.
  • Di truyền: Như đã đề cập ở trên, bệnh vảy nến có tính di truyền, không chỉ với bố mẹ sang con mà với những người thân trong gia đình cũng có thể di truyền sang thế hệ đời sau với tỉ lệ khác nhau.
  • Tổn thương ngoài da: Những tổn thương ngoài da như trầy xước, vết tiêm,… cũng có thể là cơ hội để cá vi khuẩn tấn công và gây nên bệnh vảy nến.
  • Stress, căng thẳng: Rất nhiều bệnh nhân có cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và không có dấu hiệu của việc bị vi khuẩn, virus tấn công. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã tìm ra nguyên nhân là do những người này đã ở trong tình trạng căng thẳng, áp lực kéo dài một thời gian nhất định.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia: Tuy đây không phải là nguyên nhân chính nhưng nó cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như khiến bệnh tái phát nhiều lần hơn.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số bệnh nhân sử dụng các thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị rối loạn lượng cực cũng sẽ khiến vảy nến có nguy cơ bùng phát và chuyển biến nặng hơn rất nhiều.
Sự rối loạn miễn dịch là một trong những nguyên nhân gây bệnh hàng đầu
Sự rối loạn miễn dịch là một trong những nguyên nhân gây bệnh hàng đầu

Có thể thấy, nguyên nhân gây bệnh vẩy nến có thể đến từ yếu tố chủ quan và khách quan. Do vậy, chúng ta không thể hoàn toàn phòng ngừa được bệnh. Hãy cố gắng nắm bắt những thông tin cần thiết nhất để biết cách khắc phục và điều trị khi cần thiết.

Quy trình chẩn đoán

Hầu hết các bệnh lý da liễu trong đó có vảy nến sẽ có những dấu hiệu rất dễ nhận biết bên ngoài. Tuy nhiên để kết luận chính xác, người bệnh cần thực hiện một số các xét nghiệm nhất định.

Khám nhận biết dấu hiệu:

  • Bác sĩ tiến hành khám dấu hiệu tổn thương tại tay, khuỷu tay, đầu gối, nách, da đầu, vùng bẹn,…
  • Hỏi bệnh nhân về tiền sử mắc bệnh của người thân trong gia đình.

Chẩn đoán xét nghiệm:

  • Cạo vảy da
  • Soi da bên ngoài
  • Sinh thiết da
  • Chụp x quang khớp
  • Xét nghiệm máu

Điều trị vẩy nến

Bệnh vảy nến cần được điều trị ngay khi phát hiện, không nên để lâu vì triệu chứng có thể chuyển biến nặng hơn và gây cản trở trong quá trình chữa bệnh. Sau khi chẩn đoán nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa trên chiến lược:

  • Điều trị bằng việc kết hợp thuốc
  • Điều trị theo từng giai đoạn bệnh: Bao gồm các phương án điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân, ổn định và ngăn ngừa bệnh tái phát
  • Điều trị xoay vòng

Điều trị bằng Tây y

Tây y điều trị bệnh vảy nến chủ yếu sử dụng các loại thuốc tân dược nhằm mang lại hiệu quả nhanh chóng, ngay lập tức có thể ngăn chặn sự tăng sinh của các tế bào tổn thương.

Điều trị tại chỗ:

  • Thuốc mỡ Sali: Có tác dụng tiêu sừng, có thể dùng cho trẻ em (lựa chọn loại có nồng độ thấp) và sử dụng lâu dài.
  • Thuốc bôi Emollients: Có chứa các chất làm mềm da, thúc đẩy sự bong tróc vảy da, giảm ngứa hiệu quả. Thuốc thường được chỉ định dùng sau khi kết thúc điều trị, dùng thoa lên vùng da bị thương sau khi tắm.
  • Sử dụng liệu pháp ánh sáng: Tác động nhằm làm giảm số lượng tế bào Lympho T trong lớp thượng bì. Phương pháp này hiệu quả, nguy cơ tái phát chậm nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Nhiều loại thuốc điều trị bệnh điều chế dưới dạng kem bôi ngoài da
Nhiều loại thuốc điều trị bệnh điều chế dưới dạng kem bôi ngoài da

Điều trị toàn thân:

  • Thuốc Methotrexate: Phù hợp với những trường hợp vảy nến thể nặng, vảy nến mãn tính khiến xuất hiện dấu hiệu mưng mủ, ửng đỏ toàn thân. Đây là thuốc chỉ được sử dụng khi có kê đơn của bác sĩ, không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và các bệnh nhân suy gan thận.
  • Thuốc Acitretin: Là thế hệ thứ 2 của Retinoid, thuốc có hiệu quả nhất định trong điều trị vảy nến mủ và vảy nến toàn thân.
  • Thuốc Cyclosporin A: Dùng trong trường hợp vẩy nến ửng đỏ da trên toàn thân và vẩy nến móng. Tuyệt đối không dùng cho người bệnh bị tăng huyết áp, bệnh nhân suy giảm chức năng thận, đang có khối u ác tính.

Đối với những trường hợp vảy nến mảng với diện tích rộng, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến mủ toàn thân hay có dấu hiệu viêm khớp vảy nến, người bệnh nên chuẩn bị tâm lý nhập viện để được điều trị chuyên khoa kịp thời.

Chữa vảy nến bằng mẹo dân gian tại nhà

Không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc để điều trị. Một vài bệnh nhân vảy nến thể nhẹ có thể áp dụng các mẹo dân gian để trị bệnh và ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

  • Lá trầu không: Dùng lá trầu không kết hợp với lá rau răm, lá bèo hoa dâu và muối hạt đem đun sôi và dùng để tắm. Trong quá trình tắm có thể dùng phần bã giã nát và cọ rửa nhẹ nhàng lên vùng da bị vảy nến.
  • Nha đam: Dùng nha đam tươi bỏ vỏ, lấy phần ruột gel đem xay thật nhuyễn. Lấy phần gel sau khi xay thoa đều và massage lên vị trí xuất hiện vảy nến.
  • Nghệ vàng: Chọn củ nghệ còn tươi, cạo sạch vỏ rồi đem giã nát. Cho nghệ lên đun sôi khoảng 10 phút rồi lọc lấy nước cốt. Thấm nước cốt vào bông rồi thoa lên da.
  • Lá khế: Có thể sử dụng kết hợp lá khế với lá ổi, trầu không, lá lược vàng với nhau, đem đun sôi và dùng tắm, dùng phần lá chà lên vùng da bị vảy nến để nhanh chóng loại bỏ bệnh. Ngoài ra, lá khế có thể giã hoặc ép lấy nước rồi đun sôi để uống 2 – 3 lần mỗi tuần.
Dùng các loại lá tự nhiên đun nước tắm là phương pháp dân gian rất hiệu quả
Dùng các loại lá tự nhiên đun nước tắm là phương pháp dân gian rất hiệu quả

Các phương pháp chữa bệnh vảy nến bằng dân gian có thể giúp làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh vảy nến tái phát nhưng hiệu quả chỉ ở mức tương đối, không triệt để. Vậy nên, phương pháp này chỉ nên sử dụng cho những trường hợp bệnh vẩy nến nhẹ.

Chữa vảy nến bằng đông y

Trong Đông y bệnh vảy nến có tên gọi là chứng tùng bì tiễn. Nguyên nhân gây bệnh cũng được xác định là do phòng hàn, nhiệt huyết và thường xảy ra vào mùa đông. Tùy theo thể bệnh, thuốc chữa vảy nến trong đông y cũng được chia thành các bài khác nhau:

Vảy nến thể phong huyết nhiệt

  • Bài thuốc 1: Địa phu tử, hòe hoa sống, chích thảo, sinh địa, ké đầu ngựa, thăng ma, tử thảo, thạch cao, thổ phục linh.
  • Bài thuốc 2: Ké đầu ngựa, hoa hòe, thạch cao, sinh địa, cây cứt lợn, cam thảo đất.

Vảy nến thể phong huyết táo

  • Bài thuốc 3: Vừng đen, huyền sâm, hà thủ ô, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, sinh địa.
  • Bài thuốc 4: Ké đầu ngựa, hà thủ ô, sinh địa, huyền sâm, khương hoạt, oai linh tiên, thổ phục linh.

Các bài thuốc uống đem sắc theo chỉ định của thầy thuốc và uống hết trong ngày.

Một số bài thuốc ngâm rửa bên ngoài

  • Bài thuốc 5: Dã hoa cúc, hỏa tiêu, khô phàn, phác tiêu.
  • Bài thuốc 6: Mang tiêu, khô phàn, cúc dại, xuyên tiêu.

Đem sắc thuốc đến khi sôi, pha loãng thành nước ấm rồi dùng ngâm rửa các vùng da bị vảy nến. Lưu ý kỹ về nhiệt độ, tránh bị nóng quá gây tổn thương da nặng hơn.

Ngoài việc dùng thuốc uống, một số người bệnh cũng tìm đến phương án bấm huyệt và châm cứu để cải thiện các biểu hiện của chứng vảy nến. Để thực hiện các liệu pháp này, người bệnh nên tìm hiểu thật kỹ và trao đổi với chuyên gia. Cần lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện vì liệu pháp cần những người có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm mới có thể thực hiện được.

Phương án phòng ngừa bệnh vảy nến tái phát

Như đã đề cập, bệnh vảy nến rất dễ tái phát nếu người bệnh không chú ý trong cách ăn uống và chăm sóc da hằng ngày. Nhằm phòng ngừa hiệu quả bệnh vảy nến, người bệnh có thể tham khảo những lưu ý sau đây:

  • Chú ý vệ sinh da mỗi ngày: Da bị tổn thương khiến bệnh càng dễ bị vi khuẩn tấn công, da tiếp xúc với môi trường độc hại lâu ngày cũng khiến bệnh có cơ hội tái phát trở lại. Do vậy việc vệ sinh mỗi ngày bằng các loại sữa tắm, sữa dưỡng ẩm nhẹ dịu. Việc vệ sinh làn da tưởng chừng như đơn giản ai cũng thực hiện hàng ngày nhưng với những người có làn da nhạy cảm cần đặc biệt lưu ý hơn. Sau khi vệ sinh, nên dùng kem dưỡng ẩm cho da thường xuyên để tránh để da bị khô. Lưu ý với bất kỳ hóa mỹ phẩm nào tiếp xúc với vùng da nhạy cảm cũng nên kiểm tra kỹ thành phần, tránh những loại có quá nhiều hương liệu.
  • Giữ ấm cơ thể: Mùa lạnh là lúc bệnh vảy nến dễ tái phát nhất, do vậy người bệnh nên đặc biệt giữ ấm cơ thể bằng cách đi bao tay, bao chân, quàng khăn và không nên ăn uống đồ lạnh; không tiếp xúc với nước lạnh,… Thời điểm này người bệnh cũng cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm cho da và tránh để da vùng vảy nến tiếp xúc với không khí lạnh.
  • Xây dựng chế độ ăn khoa học: Tích cực bổ sung rau củ quả, trái cây, các loại thực phẩm có chứa chất kháng viêm; uống nhiều nước; không ăn đồ cay nóng; tránh xa đồ uống chứa cồn, chất gây nghiện,… Một số đồ ăn người bị vảy nến cần tăng cường bổ sung: bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, quả dâu tây, quả mâm xôi, cá hồi, cá thu, cá mòi, dầu oliu, dầu hướng dương,… Cần tránh: thịt đỏ, sữa, lúa mì, lúa mạch, mạch nha, các loại mì, đồ chiên rán, đồ đóng hộp, cà chua, khoai tây, rượu,…
  • Tránh căng thẳng: Yếu tố tâm lý cũng đóng góp một phần trong quá trình điều trị và phòng ngừa tích cực bệnh vảy nến. Người bệnh nên chú ý kiểm soát cảm xúc, giữ cho tinh thần thoải mái nhất có thể. Nên sắp xếp thời gian công việc hàng ngày để có đủ 8 tiếng dành cho việc ngủ để tránh gây ảnh hưởng xấu cho làn da.
  • Tránh tắm gội bằng nước nóng: Nước nóng dễ khiến da bị ửng đỏ, khô da, da dễ bị tổn thương, bong tróc. Người bệnh vảy nến cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Đặc biệt, nếu tắm bằng nước nóng với xà bông sẽ càng khiến da bị khô căng, dễ bị nứt nẻ hơn.
  • Che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài: Những người mắc bệnh vảy nến thường vô cùng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Nếu tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là sau 9h sáng, các vùng da sẽ dễ bị tổn thương sâu hơn và gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.  Tuy nhiên, người bệnh vảy nến vẫn có thể tắm nắng, nên lựa chọn thời điểm từ 7h đến trước 9h sáng là tốt nhất.
Làn da dưới tác động của ánh nắng sẽ càng dễ kích ứng, tổn thương hơn
Làn da dưới tác động của ánh nắng sẽ càng dễ kích ứng, tổn thương hơn
  • Tập luyện mỗi ngày: Bệnh vảy nến tái phát là do sức đề kháng miễn dịch của cơ thể suy giảm. Do vậy, cách tốt nhất để cải thiện đề kháng là tập luyện thể dục, thể thao đều đặn hàng ngày. Người bệnh có thể lựa chọn bài tập tùy theo sở thích và duy trì 30 phút mỗi ngày. Khi tập luyện cũng nên lưu ý giữ cường độ vừa phải, không nên tập quá sức vì mô hôi đổ quá nhiều có thể khiến vùng da bị vảy nến bị ngứa ngáy trở lại.
  • Nói không với quần áo bó sát: Nhiều người không nghĩ đến việc mặc quần áo không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến vảy nến và các bệnh liên quan về da bùng phát. Người bệnh nên lưu ý lựa chọn trang phục rộng rãi, chất liệu thấm hút tốt để giữ cho bề mặt da luôn khô thoáng.
  • Uống nhiều nước: Một trong những nguyên tắc hàng đầu khi phòng ngừa bệnh vảy nến đó là giữ cho làn da luôn đủ độ ấm. Người bệnh có thể sử dụng kem dưỡng ẩm và kết hợp uống đủ nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm từ bên trong. Có thể sử dụng nước ép trái cây để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Không nên sử dụng nước ngọt có gas vì chúng có thể khiến làn da bị kích ứng.

Vảy nến không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra những vấn đề tiêu cực đối với người bệnh. Bệnh rất khó điều trị dứt điểm, cách tốt nhất là người bệnh cần tự biết cách “chung sống hòa thuận” với bệnh và duy trì những thói quen tốt để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Theo: Y tế Bắc Kạn

4.9/5 - (8 bình chọn)

Xem thêm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *