Bệnh viêm thanh quản: Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng để chữa bệnh hiệu quả

Viêm thanh quản là một trong số những bệnh lý phổ biến đường hô hấp. Nếu chủ quan không xử lý kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản hay thậm chí ung thư thanh quản rất nguy hiểm. Hiểu rõ các triệu chứng nhận biết, nguyên nhân gây bệnh là việc cần thiết để có phương án điều trị hiệu quả chứng bệnh này.

Bệnh viêm thanh quản có thể gây biến chứng nguy hiểm
Bệnh viêm thanh quản có thể gây biến nhiều chứng nguy hiểm

Viêm thanh quản là gì? Các thể bệnh và đối tượng dễ mắc bệnh

Thanh quản là bộ phận có cấu tạo gồm một hộp xương sụn (hộp thoại), bên trong chứa các dây thanh quản, mỗi dây thanh quản này được bao phủ bởi một lớp màng nhầy. Phía trên hộp thoại là nắp thanh quản, có tác dụng ngăn chặn nước bọt, thức ăn, dị vật rơi vào thanh quản.

Viêm thanh quản hình thành khi hộp thoại và các dây thanh quản bị sưng, viêm, từ đó gây khàn tiếng, mất giọng, thay đổi giọng nói.

Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ ai, trong đó phổ biến nhất là những đối tượng thường xuyên phải sử dụng giọng nói thường xuyên và cường độ lớn như ca sĩ, giáo viên… Người lạm dụng bia rượu hay người làm việc, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn, hóa chất độc hại… cũng dễ mắc phải bệnh hô hấp này.

Tùy theo thời gian, mức độ mà bệnh lý này được chia thành hai thể cấp tính và mãn tính:

  • Viêm thanh quản cấp tính: Tình trạng viêm, khàn tiếng kéo dài dưới 3 tuần.
  • Viêm thanh quản mãn tính: Bệnh diễn ra hơn 3 tuần, thường xuyên tái phát. Đây là thể nguy hiểm, khó chữa và dễ gây biến chứng.

Nguyên nhân, triệu chứng viêm thanh quản dễ nhận biết

Bệnh lý này có thể xảy ra bởi rất nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân viêm thanh quản phổ biến nhất là:

  • Thay đổi thời tiết, nhiệt độ môi trường đột ngột tăng/giảm khiến sức đề kháng suy giảm.
  • Virus (Virus cúm A, B,…): Các cơ quan vùng mũi, họng rất dễ bị virus tấn công. Đây được xem là nguyên nhân gây viêm thanh quản phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ lên tới 60 – 80% các trường hợp mắc bệnh.
  • Nấm, vi khuẩn: Bệnh thường xảy ra bởi các loại nấm mốc, vi khuẩn phế cầu, liên cầu, tụ cầu, trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu tan huyết nhóm A.
  • Hội chứng trào ngược dạ dày: Tình trạng này khiến axit trong dạ dày trào ngược lên vùng họng, từ đó gây kích ứng, viêm nhiễm niêm mạc dây thanh quản.
  • Môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá
  • Dị nguyên gây dị ứng: Phấn hoa, đồ ăn cay nóng, lông động vật,…
  • Chấn thương, người thường xuyên phải nói to, nói nhiều…
  • Rối loạn dây thanh quản
  • Ung thư thanh quản

Nguyên nhân gây viêm thanh quản

Tùy thuộc vào đối tượng mắc bệnh, tình trạng bệnh mà dấu hiệu nhận biết căn bệnh này sẽ khác nhau. Cụ thể:

  • Dấu hiệu viêm thanh quản ở người lớn: Đau họng, ho, sốt, khàn tiếng, mất tiếng, sưng hạch vùng cổ, đau khi nhai nuốt thức ăn, uống nước, sổ mũi…
  • Triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: Sổ mũi, ho khan, sốt, thở khò khè hoặc khó thở, quấy khóc, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khản tiếng…

Bệnh viêm thanh quản có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Bệnh viêm thanh quản có thể chữa được nếu người bệnh phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Tuy nhiên, nếu chậm trễ trong việc xử lý, để bệnh chuyển sang mãn tính thì người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng.Tùy từng thể bệnh mà ảnh hưởng của bệnh lý hô hấp này lên người lớn, trẻ nhỏ khác nhau, cụ thể:

  • Với người lớn, viêm thanh quản khiến người bệnh bị ho, đau họng, mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng tới công việc, sức khỏe. Khi bệnh nặng, người mắc còn có thể bị sốt cao, khó thở, hạ huyết áp, mạch yếu, nước tiểu có Albumin. Đây là trường hợp tiên lượng rất xấu, có thể gây tử vong do trụy tim mạch. Đặc biệt, viêm thanh quản mãn tính, kéo dài còn có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản rất nguy hiểm.
  • Bệnh viêm thanh quản trẻ em, trẻ sơ sinh thường khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển thể chất và trí não của bé. Nếu mắc thể co thắt hoặc giả bạch hầu, trẻ còn bị khó thở, thở khò khè, thở rít. Trong trường hợp xấu, bé có khả năng bị suy hô hấp, khó thở nặng, có thể kèm theo nhiễm độc nội tố. Đây là tình huống tiên lượng nặng, có thể dẫn tới tử vong.
Viêm thanh quản khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn
Viêm thanh quản khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn và có thể gây suy hô hấp

Như vậy, dễ thấy rằng, dù chỉ là bệnh lý hô hấp nhưng viêm thanh quản tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với cả người lớn hay trẻ nhỏ. Vì vậy, khi phát hiện ra những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần sớm tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Cách chữa viêm thanh quản phổ biến nhất hiện nay

Hiện nay, để chữa bệnh lý hô hấp này, các phương pháp phổ biến nhất gồm có: Áp dụng các mẹo trị bệnh tại nhà, sử dụng thuốc Tây y, uống thuốc Đông y hoặc phẫu thuật.

Chữa bằng mẹo dân gian tại nhà

Từ xa xưa, khi thấy các triệu chứng đau họng, ho, mệt mỏi, khản tiếng, cha ông ta đã sử dụng nhiều bài thuốc đơn giản từ các nguyên liệu dễ kiếm quanh nhà. Một số bài thuốc dân gian thường được áp dụng nhất phải kể đến là:

Chữa viêm thanh quản bằng giá đỗ: Giá đỗ sau khi sơ chế sạch có thể dùng trị bệnh bằng cách ăn sống hoặc trần qua nước sôi rồi ăn. Bên cạnh đó, có thể kết hợp cùng gừng tươi bằng cách: Chần 200gr giá đỗ, sau đó cho vào máy xay sinh tố xay cùng 1 lát gừng tươi và 1 thìa cafe muối, sau đó lọc riêng bã và nước cốt. Phần nước uống từ từ từng ngụm còn bã thì ngậm trong vài phút.

  • Chữa viêm thanh quản bằng mật ong: Lấy 1 – 2 quả chanh tươi (hoặc chanh đào) rửa sạch, để ráo nước, thái lát mỏng. Ngâm chanh tươi trong mật ong trong khoảng 2 tiếng, sau đó ngậm chanh mật ong và nuốt từ từ.
  • Sử dụng lá xương sông: Lấy từ 5 – 10 lá xương sông rửa sạch, để ráo nước rồi dập dập. Đem lá ngâm qua khoảng 20 – 30ml giấm ăn, sau đó ngậm hỗn hợp này và nuốt từ từ.
  • Sử dụng tỏi: Tỏi để nguyên vỏ, chia thành từng tép, đem nướng trên than cho đến khi vỏ cháy xém. Bóc vỏ tỏi, đập dập, thêm một chút nước ấm rồi ngậm cả tỏi và nước, nuốt từ từ.
Tỏi là vị thuốc nam hiệu quả với bệnh viêm thanh quản
Tỏi là vị thuốc nam hiệu quả với bệnh viêm thanh quản

Cần lưu ý rằng các mẹo dân gian sử dụng cây thuốc quanh nhà, có dược tính thấp, chỉ phù hợp với bệnh nhẹ, cấp tính. Trong trường hợp áp dụng 1-2 ngày mà bệnh không thuyên giảm hoặc nặng hơn, cần phải đi khám bác sĩ để được tư vấn giải pháp hiệu quả hơn, tránh bệnh biến chứng.

Điều trị bằng bằng Tây y

Thông thường, Tây y bao gồm điều trị nội khoa bằng thuốc và phẫu thuật. Giải pháp nội khoa thường được áp dụng với tình trạng viêm thanh quản không gây khó thở, hoặc gây khó thở độ I. Trong trường hợp bệnh gây khó thở độ II, III thì cần can thiệp phẫu thuật mở khí quản cấp cứu để tránh rủi ro nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Trong trường hợp điều trị nội khoa, tùy vào nguyên nhân, triệu chứng mà bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các loại thuốc sau:

  • Kháng sinh: Amoxicilin, nhóm cephalosporin, azithromycin, clarythromycin, cephalexin,…
  • Kháng viêm: Nhóm thuốc chống viêm steroid như methylprednisolon, prednisolon hoặc thuốc chống viêm dạng men như lysozym, alpha chymotrypsin…
  • Hạ sốt, giảm đau: Paracetamol, aspirin
  • Kết hợp cùng: Khí dung, xúc họng bằng dung dịch diệt khuẩn… nếu cần thiết.

Chú ý rằng, việc sử dụng thuốc tây cần thận trọng bởi nhiều thuốc tiềm ẩn các tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe. Phổ biến nhất là việc người bệnh có thể bị nôn, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, tăng/giảm huyết áp, thậm chí là đau dạ dày, suy thận… Do đó, người bệnh không nên tự ý mua, sử dụng thuốc Tây mà cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nên ngừng thuốc nếu gặp các tác dụng phụ bất thường và báo ngay với bác sĩ để được khắc phục kịp thời.

Chữa bằng thuốc Nam (Đông y)

Theo y học cổ truyền, viêm thanh quản xảy ra do phong, hàn, tà, thấp xâm nhập cơ thể. Kết hợp cùng các yếu tố nội nhân như phế khí suy yếu mà thành bệnh. Do đó, để trị bệnh cần tập trung bài trừ các yếu tố ngoại nhân, củng cố tạng phủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Một số bài thuốc Đông y chữa viêm thanh quản người bệnh có thể tham khảo gồm:

  • Với thể phong hàn: Thể bệnh này đặc trưng bởi triệu chứng ho nhiều, khản tiếng, nhiều đờm, họng đau, ngạt mũi, khó thở. Bài thuốc chữa bao gồm: Cát căn 16g, kinh giới 16g, tía tô 16g, hoàng kỳ 12g, cây ngũ sắc 16g, tục đoạn 16g, lá xương sông 16g, thiên niên kiện 10g, quế lâm 6g, cam thảo 12g, bạch chỉ 10g, xuyên khung 12g. Thang thuốc trên đem sắc kỹ với lửa nhỏ, ngày uống 3 lần, mỗi ngày 1 thang.
  • Với thể nhiệt hàn: Triệu chứng bệnh đặc trưng lúc này là ho khan, khàn hoặc mất tiếng, niêm mạc khô, tiểu ít… Bài thuốc gồm các vị thảo dược: Mạch môn 16g, cát căn 16g, bồ công anh 16g, khởi tử 12g, thạch hộc 12g, rau má 20g, ngân hoa 10g, ngũ vị 10g, liên kiều 12g, thổ phục linh 20g, cam thảo 12g, nam tục đoạn 20g, sơn thù 10g, tang diệp 16g, mạch môn 16g. Ngày sắc 1 thang, chia làm 3 lần uống sáng, trưa và tối.
Thuốc Đông y chữa viêm thanh quản từ thảo dược nên an toàn, lành tính
Thuốc Đông y chữa viêm thanh quản từ thảo dược nên an toàn, lành tính

* Lưu ý: Người bệnh không nên tự ý áp dụng mà cần đi khám, bắt mạch tại các phòng khám, nhà thuốc Đông y uy tín để được kê đơn, bốc thuốc đúng bệnh.

Viêm thanh quản kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Bên cạnh việc lựa chọn phương pháp chữa bệnh, người bệnh cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng hợp lý để bệnh nhanh khỏi.

Viêm thanh quản nên ăn gì?

Những thực phẩm tốt cho sức khỏe mà người bệnh nên ăn nhiều gồm:

  • Rau xanh, trái cây: Đây là nguồn cung cấp vitamin, dưỡng chất quan trọng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên ăn nhiều các loại cam, quýt, bưởi, quả mâm xôi, súp lơ, khoai lang,…
  • Thức ăn dễ nuốt: Cháo, súp, nước canh… là những món dễ nuốt và hạn chế gây kích ứng lên vùng thanh quản bị viêm.
  • Sữa và chế phẩm từ sữa như sữa chua để bổ sung protein, canxi cho cơ thể
  • Ngoài ra, nên uống nước ấm, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, sử dụng trà gừng, mật ong để hỗ trợ điều trị bệnh.
Người bị viêm thanh quản nên ăn nhiều rau củ quả
Người bị viêm thanh quản nên ăn nhiều rau củ quả

Viêm thanh quản kiêng ăn gì?

Theo các chuyên gia y tế, người bệnh nên tránh xa nhóm thực phẩm sau để tránh tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng:

  • Đồ ăn cay nóng: Người bệnh nên hạn chế ăn ớt, hạt tiêu… bởi đây là nhóm dễ gây kích ứng, làm trầm trọng tình trạng tổn thương niêm mạc thanh quản.
  • Đồ ăn lạnh: Nước lạnh, kem, đá… là nhóm nên hạn chế bởi dễ làm triệu chứng bệnh tăng nặng hơn.
  • Đồ chiên xào nhiều dầu mỡ: Nhóm này có tính nóng trong, dễ làm tình trạng viêm tăng nặng, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị.
  • Thực phẩm có tính axit: Đây là thực phẩm dễ gây trào ngược, từ đó làm tình trạng bệnh thêm xấu.
  • Thực phẩm cứng, giòn: Khi bị viêm thanh quản thường kèm theo triệu chứng đau họng, khó nuốt. Vì vậy người bệnh nên hạn chế nhóm thực phẩm này.

Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh viêm thanh quản mà người bệnh nên biết. Qua đó, mong rằng bạn đọc sẽ biết thêm kiến thức để xử lý tình trạng mà mình đang gặp phải.

Vote

Điều trị viêm họng amidan, chữa viêm họng, viêm amidan mạn tính thực tế không hề đơn giản. Rất nhiều trường hợp đã tốn kém không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc mà bệnh vẫn không khỏi, thậm chí còn để lại những biến chứng nguy hiểm. Để giúp bệnh nhân “thoát khỏi” tình cảnh này, ngay trong bài viết này, cố vấn y khoa VTV2 sẽ tư vấn cách chữa bệnh tận gốc, không lo bệnh tái phát.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *