Viêm thanh quản mãn tính (mạn tính): Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả
Nội dung
Bệnh viêm thanh quản mãn tính không chỉ dai dẳng, khó chữa, thường xuyên tái phát mà còn dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy viêm thanh quản mãn tính có nguy hiểm không? Đâu là phương pháp trị bệnh phổ biến, hiệu quả hiện nay. Trước khi trả lời hai câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng nhận biết bệnh lý này.
Bệnh viêm thanh quản mãn tính là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Dây thanh quản là bộ phận nằm ở ngã ba giữa miệng và khí quản, giúp con người phát ra âm thanh, tiếng nói. Chính vì nằm ở vị trí này nên cơ quan này dễ bị virus, vi khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm. Khi đó, giọng nói rất dễ bị ảnh hưởng, nhẹ thì khản tiếng, nặng thì mất tiếng.
Trong nhiều trường hợp, bệnh lý này có thể tự biến mất. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh kéo dài quá 3 tuần, thường xuyên tái phát thì lúc này được gọi là viêm dây thanh thanh quản mãn tính. Lúc này, việc điều trị bệnh sẽ gặp khó khăn hơn so với thể cấp tính. Người bệnh cũng có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
Do đó, việc hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng nhận biết đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và tìm ra cách chữa trị bệnh hiệu quả nhất.
Tình trạng viêm thanh quản mạn tính có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Theo các chuyên gia y tế, thể mãn tính thường xảy ra do tác động của những yếu tố sau:
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi hoặc hóa chất độc hại, khói thuốc lá
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến axit từ dạ dày trào lên vùng họng, từ đó gây viêm nhiễm
- Các bệnh lý lân cận như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi
- Thường xuyên sử dụng giọng nói, nói to, nói nhiều (diễn giả, MC, ca sĩ, giáo viên…)
- Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm mốc
- Nhiễm ký sinh trùng
- Rối loạn dây thanh âm do chấn thương
- Thay đổi thời tiết đột ngột, thường xuyên, khí hậu ẩm ướt
- Mắc phải một số bệnh toàn thân: Bệnh gan, bệnh gout, béo phì…
- Đột quỵ, ung thư…
Triệu chứng viêm thanh quản mãn tính dễ nhận biết và cách chẩn đoán bệnh
Thể mạn tính thường có một số dấu hiệu nhận biết điển hình nhất mà người bệnh nên chú ý gồm:
- Giọng nói bị ảnh hưởng: Mất tiếng, khàn tiếng…
- Đau họng, khô họng, họng dễ bị kích thích
- Ho khan hoặc ho dai dẳng lâu ngày không khỏi
- Xuất hiện đờm xanh hoặc đờm vàng
- Hạch bạch huyết ở cổ bị sưng
- Khó nuốt, vướng họng
- Sốt, đau đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém…
Đặc biệt, ở cả người lớn hay trẻ nhỏ, khi bệnh viêm thanh quản mãn tính kèm theo các biểu hiện sau, bạn cần thăm khám ngay lập tức để được bác sĩ chẩn đoán và xử lý kịp thời:
- Sốt cao trên 39,5 độ C, sốt kéo dài không hạ dù đã sử dụng thuốc hạ sốt
- Khó thở, thở khò khè, thở rít khi hít vào
- Đau họng nghiêm trọng, khó nhai nuốt
- Ho ra máu
Tùy thuộc vào tình trạng, triệu chứng và đặc điểm người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp chẩn đoán khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại thì sẽ dựa trên những cách sau:
- Khám lâm sàng và trao đổi triệu chứng bệnh cụ thể mà người bệnh gặp phải.
- Quan sát vùng họng
- Xét nghiệm máu, chụp X-quang
- Nội soi thanh quản để xác định mức độ viêm nhiễm
Viêm thanh quản mạn tính có lây không? Ai là người dễ mắc bệnh?
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, bệnh lý đường hô hấp này có khả năng lây từ người này sang người khác nhưng tình trạng này không quá phổ biến. Bệnh thường lây lan nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng. Lúc này, vi khuẩn, virus sẽ dễ lây lan khi người bệnh bị ho, hắt hơi.
Vì vậy, người bệnh nên có ý thức, thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Việc này vừa hỗ trợ quá trình điều trị bệnh, giữ vệ sinh chung, đồng thời hạn chế bệnh lây qua cho người khác.
Đối tượng dễ mắc viêm thanh quản là những người có sức đề kháng yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mới ốm dậy. Ngoài ra, người thường xuyên sử dụng giọng nói ở cường độ cao, tần suất lớn, người thường mắc các bệnh đường hô hấp trên, người hút thuốc lá… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Viêm thanh quản mãn tính có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Viêm họng thanh quản mãn tính thường dai dẳng, tái đi tái lại thường xuyên và dễ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Dưới đây là những ảnh hưởng điển hình nhất mà bệnh lý này có thể gây ra:
- Tình trạng nhiễm trùng lây lan sang các khu vực khác gây viêm phổi, viêm phế quản, viêm khí quản…
- Tổn thương dây thanh âm khiến giọng nói bị ảnh hưởng, thậm chí là mất tiếng hoàn toàn, polyp thanh quản, áp-xe thanh quản.
- Biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra là tình trạng tăng sản, bạch sản hoặc tăng sừng hóa thanh quản.
- Ung thư thanh quản, ung thư vòm họng nguy hiểm đến tính mạng.
Như vậy, dễ thấy rằng bệnh viêm thanh quản mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, kịp thời và dùng đúng phương pháp điều trị thì tỷ lệ chữa bệnh thành công khá cao, từ 80 – 90%. Điều quan trọng là người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ, duy trì chế độ ăn uống, lối sống khoa khọc.
Các cách chữa viêm thanh quản mãn tính phổ biến hiện nay
Có nhiều cách khác nhau để khắc phục tình trạng này. Tùy thuộc vào đặc điểm, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà người bệnh có thể lựa chọn một trong số những cách sau:
Các mẹo dân gian trị bệnh tại nhà
Từ xa xưa, người Việt đã truyền tai nhau và áp dụng nhiều bài thuốc từ cây lá quanh nhà để trị viêm thanh quản mãn tính, cụ thể như:
- Giá đỗ: Chuẩn bị 200g giá đỗ, 1 củ gừng tươi, 1 thìa cafe muối. Giá đỗ đem rửa sạch, trần qua nước sôi, gừng rửa sạch thái lát mỏng. Cho giá đỗ, gừng tươi và muối vào xay nhuyễn, lọc lấy nước. Nhấp từng ngụm nhỏ nước giá đỗ và ngậm trong cổ họng, nuốt từ từ để dung dịch làm dịu vùng họng, thanh quản, giảm viêm.
- Bài thuốc từ khế chua: Rửa sạch 2 – 3 quả khế chua rồi thái lát mỏng. Cho khế vào bát, ướp cùng 2 – 3 thìa đường trong khoảng 4 giờ đồng hồ. Chắt lấy nước khế để ngậm và nuốt từ từ nhiều lần trong ngày.
- Lá xương sông: Lấy 5 – 10 lá xương sông bánh tẻ, rửa sạch để ráo nước. Đêm lá đi giã nát rồi ngâm trong 20 – 30ml giấm ăn. Để khoảng 15 – 20 phút sau đó chắt lấy nước cốt để ngậm rồi nuốt từ từ.
Các mẹo dân gian trên có ưu điểm là nguyên liệu dễ tìm, có khả năng làm dịu họng và các triệu chứng sưng, viêm, ho, đờm. Tuy nhiên, vì bệnh đã chuyển thành mãn tính nên chỉ áp dụng mẹo dân gian sẽ không đủ mạnh để trị bệnh. Thậm chí, việc trì hoãn không chữa triệt để còn khiến bệnh nặng hơn và gây biến chứng. Cho nên, người bệnh chỉ nên sử dụng mẹo dân gian như biện pháp hỗ trợ.
Chữa viêm thanh quản bằng Tây y
Bác sĩ có thể chỉ định cách điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hay phẫu thuật, tùy thuộc vào tình trạng mà mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Điều trị tại chỗ: Đây là cách sử dụng máy khí dung để xông họng, thanh quản bằng các loại thuốc kháng sinh, khang viêm, giảm phù nề để làm giảm tức thì tình trạng viêm đỏ, sưng tấy dây thanh quản.
- Điều trị toàn thân: Sử dụng thuốc qua đường uống với một số loại phổ biến như thuốc chống viêm steroid (methylprednisolon, prednisolon, dexamethasone…), kháng sinh, men tiêu viêm (lysozym, alpha chymotrypsine…).
- Phẫu thuật: Được sử dụng nếu việc dùng thuốc không hiệu quả hoặc người bệnh có biểu hiện nguy cấp cần xử lý như phù reinke, viêm dây thanh quản mãn tính có khối u, hạt xơ dây thanh…
Chú ý rằng, mỗi loại thuốc Tây y đều tiềm ẩn nguy cơ gây tác dụng phụ. Do đó, người bệnh không nên tự ý điều trị cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý, không tự ý tăng/giảm liều dùng, nếu gặp tác dụng phụ cần dừng thuốc và liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Với biện pháp phẫu thuật, phương pháp này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát bệnh, biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật… Vì thế, người bệnh nên cân nhắc, hỏi kỹ ý kiến chuyên gia trước khi quyết định.
Sử dụng thuốc Đông y
Song song với Tây y, nhiều người có xu hướng lựa chọn trị bệnh bằng Thuốc Đông y. Bởi phương pháp này trị bệnh sử dụng các bài thuốc có nguồn gốc từ thảo dược vì vậy nên khá an toàn, lành tính, ít hoặc không gây tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe.
Đông y quan niệm bệnh xảy ra do cả yếu tố bên ngoài (phong, hàn, tà, thấp…) xâm nhập, gặp lúc vệ khí yếu, phế suy giảm chức năng,… mà hình thành bệnh. Vì vậy, để chữa bệnh chú trọng vào làm mạnh ngũ tạng, trong đố tập trung vào tạng phế. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng, bài trừ các yếu tố ngoại nhân ra khỏi cơ thể để phòng bệnh tái phát.
Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu quả. Tùy từng nguyên nhân và thể trạng mà thầy thuốc sẽ kê đơn khác nhau. Để tránh mua phải thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, người bệnh chỉ nên khám, lấy thuốc tại các địa chỉ uy tín, được Sở y tế cấp phép hoạt động.
Cách phòng ngừa bệnh để hạn chế tái phát
Bên cạnh việc áp dụng, tuân thủ phác đồ điều trị bệnh, người bệnh nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa sau để hỗ trợ quá trình điều trị, phòng bệnh tái phát:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Nên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc giàu vitamin A, C, B, E để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ hộp… để vùng viêm nhiễm không bị kích ứng, tăng nặng.
- Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc và nơi khói bụi, ô nhiễm.
- Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày.
- Không nên uống rượu bia, chất kích thích
- Giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống, làm việc sạch sẽ.
- Giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra đường.
- Hạn chế nói to, nói nhiều.
- Sử dụng ống xịt tinh dầu bạc hà và máy tạo độ ẩm không khí.
- Thường xuyên súc miệng với nước muối ấm.
- Hạn chế hoặc không tiếp xúc với người đăng mắc bệnh hô hấp, cúm, cảm lạnh để tránh bị lây bệnh.
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh viêm thanh quản mãn tính. Để tránh không gặp phải những biến chứng nguy hiểm của bệnh và trở về với cuộc sống bình thường, hãy chủ động thăm khám và bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!