Viêm thanh quản cấp tính: Dấu hiệu và cách chữa hiệu quả hết đau rát họng, khản tiếng
Nội dung
Viêm thanh quản cấp tính nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ dễ tiến triển thành thể mãn tính. Lúc này, không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh còn có thể biến chứng thành viêm phổi, viêm phế quản hay nguy hiểm nhất là ung thư thanh quản. Vậy dấu hiệu viêm thanh quản cấp là gì, đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Và quan trọng nhất, giải pháp chữa trị nào hiệu quả nhất? Cùng tìm hiểu chi tiết vấn đề trên trong bài viết sau đây.
Viêm thanh quản cấp tính là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm thanh quản là hiện tượng viêm niêm mạc dây thanh quản, từ đó dẫn đến các triệu chứng ho, đau họng, khản tiếng, sốt, phù nề thanh quản. Khi bệnh kéo dài dưới 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản cấp tính.
Tình trạng này có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Triệu chứng nhận biết bệnh cũng đa dạng tùy từng thể bệnh và đối tượng mắc bệnh. Đáng nói là, nếu không khắc phục và xử lý kịp thời, viêm thanh quản cấp dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một vài hệ quả thường gặp nhất:
- Viêm thanh quản mãn tính: Bệnh thường xuyên tái phát, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, cuộc sống người bệnh.
- Sốt cao, thậm chí có thể dẫn tới co giật ở trẻ nhỏ.
- Triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh cúm, viêm họng dẫn tới tâm lý chủ quan của người bệnh. Từ đó, vùng viêm nhiễm có thể lan rộng sang phế quản, khí quản, phổi… Lúc này, người bệnh dễ bị khó thở, suy hô hấp rất nguy hiểm.
- Ở trẻ nhỏ, trường hợp viêm thanh quản bạch hầu, trẻ có thể bị sốc nhiễm độc tố và tiên lượng xấu, có thể dẫn tới tử vong.
- Với người lớn, thể viêm tấy thường kèm theo sốt cao, mạch nhanh, khó thở, dễ để lại di chứng sẹo hẹp thanh quản.
- Đặc biệt, viêm thanh quản thể hoại tử thường gây tăng thân nhiệt, mạch yếu, hạ huyết áp, thở nhanh nông. Đây là trường hợp nguy hiểm có thể gây tử vong do trụy tim, cần được xử lý cấp cứu.
Đối tượng dễ mắc viêm thanh quản cấp tính là ai?
Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kì ai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, bệnh thường gặp hơn cả ở những đối tượng sau:
- Người thường mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang…
- Người thường xuyên hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi
- Người thường xuyên sử dụng giọng nói ở cường độ cao, nói nhiều, la hét như ca sĩ, giáo viên, MC, diễn giả…
- Người có thói quen uống rượu bia, chất kích thích
- Người mắc bệnh trào dược dạ dày thực quản
- Người dễ bị dị ứng bởi các yếu tố dị nguyên từ môi trường
- Người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già, người mới ốm dậy…
Nguyên nhân, triệu chứng viêm thanh quản cấp tính dễ nhận biết
Bệnh viêm thanh quản cấp tính có thể hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, những tác nhân gây bệnh chính phải kể đến gồm:
- Virus: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra thể bệnh này, thường gặp nhất là virus cúm Influenzae, APC,…
- Vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có thể dẫn tới viêm thanh quản như tụ cầu, phế cầu, liên cầu, trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu tan huyết nhóm A
- Trào ngược dạ dày, thực quản (Hội chứng GERD)
- Lây nhiễm từ các bệnh lý hô hấp khác như viêm họng, viêm xoang, viêm mũi…
- Lạm dụng hoặc thường xuyên sử dụng giọng nói: Nói to, nói gắng sức, nói nhiều…
- Nguyên nhân khác: Môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, nấm mốc…
Một khi bệnh hình thành, các triệu chứng điển hình nhất người bệnh cần lưu ý gồm:
- Triệu chứng toàn thân: Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
- Triệu chứng cơ năng: Ho khan hoặc ho có đờm, khàn tiếng hoặc mất tiếng. Ở trẻ em thường kèm theo biếng ăn, nôn trớ, khó ngủ, thở khò khè. Ở một số trẻ bị viêm thanh quản thể phù nề thường kèm theo khó thở, có thể dẫn đến suy hô hấp rất nguy hiểm.
- Triệu chứng thực thể: Amidan có thể sưng to, niêm mạc họng bị đỏ, thanh quản phù nề, dây thanh âm xung huyết, có dịch nhầy…
- Triệu chứng khác: Nhức đầu, sổ mũi, nuốt bị đau…
Thông thường, viêm thanh quản cấp tính thường kéo dài không quá 3 tuần và nhiều trường hợp có thể tự khỏi hoặc không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu gặp những biểu hiện hoặc tình huống sau thì người bệnh cần được đưa đi khám ngay:
- Ho nhiều, ho ra máu
- Đau họng trầm trọng
- Khó thở, sốt cao, không đáp ứng hoặc đáp ứng thấp với thuốc hạ sốt
- Đùn nước dãi ở trẻ
Điều trị viêm thanh quản cấp ở người lớn và trẻ nhỏ
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà sẽ có cách xử lý bệnh khác nhau. Theo đó, bạn đọc có thể tham khảo những giải pháp khắc phục viêm thanh quản dưới đây:
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc tại nhà
Cách này thường áp dụng với tình trạng bệnh nhẹ, các triệu chứng mới khởi phát và không quá nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh nên thực hiện những điều sau:
- Sử dụng máy tạo ẩm để tăng cường độ ẩm cho không khí (nếu được)
- Hạn chế nói to, nói nhiều hoặc nói lâu. Đồng thời, không nên nói thì thầm bởi sẽ khiến dây thanh âm bị căng và bệnh nặng thêm.
- Giữ vệ sinh mũi họng, vệ sinh cá nhân và nơi ở sạch sẽ
- Ăn uống đủ chất, nhất là rau củ quả giàu vitamin A, C, E để tăng sức đề kháng
- Uống nhiều nước, nên uống tối thiểu 2 lít nước lọc mỗi ngày
- Giữ ấm cơ thể, không thức quá khuya
- Áp dụng các bài thuốc trị bệnh dân gian như: Hấp đường phèn với quất, húng chanh, bài thuốc từ quả lê, tỏi, lá xương sông…
Trong trường hợp áp dụng các mẹo tại nhà mà bệnh không thuyên giảm hoặc tăng nặng thêm. Người bệnh cần thăm khám tại bệnh viện, phòng khám để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn cách điều trị hiệu quả hơn.
Chữa viêm thanh quản bằng thuốc
Lúc này, bạn có thể lựa chọn giữa dùng thuốc Tây y hoặc Đông y. Mỗi giải pháp đều có ưu, nhược điểm nhất định.
- Thuốc Tây y: Phổ biến nhất là các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau hạ sốt, siro và viên ngậm… Đây là cách giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh, tuy nhiên cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý mua và uống thuốc bởi nhiều loại thuốc tiềm ẩn những tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe. Lạm dụng kháng sinh còn khiến bạn dễ bị kháng thuốc. Từ đó, việc điều trị các bệnh sau này, dù là đơn giản cũng sẽ vô cùng khó khăn.
- Thuốc Đông y: Thuốc Đông y chủ yếu sử dụng các vị thảo dược tự nhiên kết hợp với nhau để trị bệnh. Cách này có ưu điểm là an toàn, lành tính, ít hoặc không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, thời gian sử dụng thuốc cần lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì từ người bệnh. Trong trường hợp sử dụng phải thuốc kém chất lượng, có bảo quản bằng diêm sinh, lưu huỳnh, người dùng có thể gặp nhiều ảnh hưởng xấu lên sức khỏe. Vì vậy, người bệnh nên khám, chữa tại những cơ sở, nhà thuốc uy tín.
Can thiệp bằng ngoại khoa
Giải pháp này thường được chỉ định khi cần xử lý cấp cứu. Những bệnh nhân mắc viêm thanh quản khó thở độ II, III cần tác động ngoại khoa càng sớm càng tốt để mở khí quản. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, nếu người bệnh đã điều trị bằng thuốc nội khoa nhưng không có tác dụng, bác sĩ cũng có thể chỉ định tác động ngoại khoa để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tiềm ẩn những rủi ro trong, sau quá trình thực hiện. Do đó, để biết được đâu là giải pháp phù hợp nhất với mình, người bệnh viêm thanh quản cấp nên tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!