Nổi mẩn đỏ là dấu hiệu bệnh gì? Điều trị như thế nào để nhanh khỏi?
Nội dung
Nổi mẩn đỏ trên da là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Tình trạng này có thể xảy ra do dị ứng, bệnh ngoài da hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn khác trong cơ thể. Để điều trị hiệu quả nổi mẩn đỏ và ngứa da, người bệnh cần hiểu về tình trạng này.
Nổi mẩn đỏ là gì? Có nguy hiểm không?
Nổi mẩn đỏ trên da là những thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu trên da. Đây là hiện tượng thường gặp ở người có cơ địa nhạy cảm, phụ nữ mang thai, trẻ em. Mẩn đỏ trên da có thể chia làm 2 loại đó là da nổi mẩn đỏ ngứa và da nổi mẩn đỏ không ngứa. Tùy vào mức độ nặng nhẹ tình trạng trên mà nổi mẩn đỏ trên da có thể biến mất sau vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày hoặc cả tuần.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi bị nổi mẩn đỏ:
- Nổi mẩn đỏ mức độ nhẹ: Mẩn đỏ xuất hiện ít trên da và có thể biến mất hoàn toàn sau khoảng thời gian 3 – 4 giờ.
- Nổi mẩn đỏ mức độ nặng: Vùng mẩn đỏ trên da có thể lan rộng và xuất hiện ở nhiều bộ phận cơ thể. Nốt mẩn đỏ có thể có mủ, ngứa ngáy hoặc thậm chí gây đau. Ngoài ra, người bệnh còn có thể có triệu chứng khó thở, tức ngực, mệt mỏi…
Nổi mẩn đỏ trên da thường không nguy hiểm, nó chỉ là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý bệnh ngoài da và ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn bị mẩn đỏ đi kèm các triệu chứng dưới đây thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tránh nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng:
- Mẩn đỏ khắp cơ thể và gây đau nhức có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng.
- Các triệu chứng mẩn đỏ không cải thiện sau vài ngày.
- Mẩn đỏ kèm triệu chứng khó thở, mặt sưng lên…
Nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ
Nổi mẩn đỏ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân có thể do dị ứng thông thường hoặc do các bệnh lý. Xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng trên sẽ giúp người bệnh lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây nổi mẩn đỏ:
- Dị ứng, nổi mề đay: Đây là nguyên nhân thường gặp gây nổi mẩn đỏ trên da và ngứa. Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như thời tiết, thực phẩm, mỹ phẩm, phấn hoa… thì hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tiết ra histamin gây mẩn đỏ và ngứa ngáy khó chịu. Mẩn đỏ do dị ứng, nổi mề đay có thể cải thiện sau vài giờ hoặc vài ngày.
- Lupus ban đỏ: Lupus ban đỏ căn bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào da. Triệu chứng thường gặp của lupus ban đỏ là các nổi mẩn đỏ xuất hiện trên da.
- Nổi mẩn đỏ do rôm sảy: Nổi mẩn đỏ ro rôm sảy thường xảy ra trong thời tiết nắng nóng và thường gặp ở trẻ em. Tình trạng này có thể biến mất khi thời tiết mát mẻ do vậy nó thường không quá nguy hiểm.
- Viêm da tiết bã: Triệu chứng thường gặp của viêm da tiết bã là nổi mẩn đỏ trên da, da dễ bong tróc. Người bệnh cũng có thể bị rụng lông, tóc ở những vùng nổi mẩn. Viêm da tiết bã là tình trạng mãn tính, do vậy người bệnh cần kiên trì điều trị để hạn chế bệnh tái phát. .
- Viêm da cơ địa: Viêm da cơ địa là căn bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc người có cơ địa dị ứng. Nổi mẩn đỏ và ngứa là triệu chứng thường gặp của căn bệnh này. Triệu chứng bệnh thường nặng lên khi thời tiết khô hoặc tiếp xúc với tác nhân dị ứng.
- Hăm da: Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em mặc tã hoặc những người bị béo phì. Hăm da xảy ra ở những khu vực ẩm ướt hoặc nếp gấp da. Triệu chứng thường gặp của hăm da là nổi mẩn đỏ, ngứa. Nếu nặng, người bệnh có thể bị đau đớn, khó chịu. Để hạn chế hăm da, người bệnh nên giữ các vùng da có nguy cơ luôn khô ráo, sạch sẽ. Với người bị béo phì, giảm cân có thể cải thiện tình trạng hăm da.
- Viêm nang lông: Viêm nang lông khiến người bệnh bị nổi mẩn đỏ ở đầu các nang lông. Tình trạng này xảy ra khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu thừa và bụi bẩn. Viêm nang lông ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.
- Ghẻ lở: Đặc trưng của bệnh ghẻ da là nổi mẩn đỏ và ngứa da dữ dội, đặc biệt vào ban đêm. Bệnh ghẻ rất dễ lây lan do vậy người bệnh cần điều trị triệt để bệnh.
- Nhiễm virus: Khi virus xâm nhập vào cơ thể nó không chỉ gây sốt cao, mệt mỏi mà còn gây nổi mẩn đỏ, phát ban trên da. Nổi mẩn đỏ do nhiễm virus có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày.
- Rosacea: Rosacea là tình trạng da mãn tính có thể gặp ở một số người. Triệu chứng điển hình của rosacea là nổi mẩn đỏ trên mặt.
- Zona thần kinh: Zona thần kinh là căn bệnh ngoài da xảy ra do virus Varicella zoster gây ra. Triệu chứng thường gặp của bệnh là nổi mẩn đỏ có mủ trắng trên da kèm theo cảm giác nóng rát, đau nhức.
- Vảy nến: Cũng như lupus ban đỏ, vảy nến cũng là bệnh tự miễn trên da. Triệu chứng thường gặp của vảy nến là những nổi mẩn đỏ xuất hiện ở một hoặc nhiều vùng da trên khắp cơ thể. Vảy nến nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Viêm mô tế bào: Viêm mô tế bào xảy ra khi tế bào bị vi khuẩn xâm nhập. Triệu chứng thường gặp của bệnh là mẩn đỏ, sưng và đau ở một vùng da. Nếu không được điều trị, bệnh có thể lan rộng ra toàn bộ cơ thể và đe dọa đến tính mạng.
- Các bệnh lý ở gan: Gan có vai trò đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Khi chức năng thải độc của cơ thể bị ảnh hưởng do bệnh lý thì độc tố có thể tích tụ trong cơ thể. Dấu hiệu đặc trưng cảnh báo gan có vấn đề là nổi mụn hoặc nổi mẩn đỏ trên da.
- Bệnh lý ở thận: Khi mắc các bệnh lý ở thận như viêm cầu thận, suy thận, độc tố trong cơ thể sẽ theo dòng máu đi đến khắp cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng trên da như mẩn đỏ, ngứa ngáy da.
- Sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết xảy ra khi người bệnh bị nhiễm virus Dengue do muỗi lây truyền. Nổi mẩn đỏ do sốt xuất huyết thường kèm theo triệu chứng sốt cao, mệt mỏi. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần chú ý theo dõi triệu chứng của bệnh để tránh tình trạng giảm tiểu cầu.
Ngoài những nguyên nhân trên, nổi mẩn đỏ trên da còn có thể xảy ra do bệnh thủy đậu, sởi, tay chân miệng… Do vậy, khi bị nổi mẩn đỏ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Điều trị nổi mẩn đỏ như thế nào?
Tùy vào mức độ nặng, nhẹ và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân các phương pháp điều trị phù hợp. 3 phương pháp thường được áp dụng để điều trị mẩn đỏ và ngứa là mẹo dân gian, Đông Y và Tây y.
Mẹo dân gian
Nếu chỉ bị mẩn đỏ rải rác trên khắp cơ thể, tình trạng mẩn không gây sưng đau, chỉ gây ngứa nhẹ thì người bệnh có thể áp dụng các mẹo dân gian để cải thiện triệu chứng. Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện, nguyên liệu dễ tìm và khá an toàn với làn da. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp thường khá chậm, nên người bệnh cần kiên trì thực hiện.
Một số mẹo dân gian trị nổi mẩn đỏ:
- Tắm nước muối pha loãng: Muối có đặc tính sát trùng do vậy tắm bằng nước muối pha loãng có thể loại bỏ vi khuẩn trên da, giảm mẩn đỏ và ngứa da hiệu quả.
- Đắp yến mạch: Dùng bột yến mạch xay nhuyễn để tắm hoặc trộn với mật ong lên da sẽ giúp giảm ngứa da, đỏ da hiệu quả.
- Tắm lá khế: Theo Đông y, lá khế có vị chua, tính bình giúp thanh nhiệt, tiêu viêm và đào thải độc tố trong cơ thể. Do vậy nó được sử dụng để điều trị tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa ngày do nổi mề đay. Bạn có thể lấy một nắm lá khế nấu với nước sau đó đợi nước nguội bớt để tắm. Nên tắm lá khế hàng ngày để thấy hiệu quả trị bệnh rõ rệt.
- Tắm lá tía tô: Trong tía tô có chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa nên nó giúp giảm viêm, giảm ngứa và nổi mẩn đỏ trên da hiệu quả. Bạn có thể sử dụng lá tía tô nấu nước tắm hoặc đun nước uống hàng ngày để cải thiện các vấn đề trên da hiệu quả.
- Uống nước ép rau má: Theo y học cổ truyền, rau má có tính bình, vị hơi đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan. Do vậy, uống nước ép rau má hàng ngày có thể giúp giảm tình trạng nổi mẩn đỏ do các bệnh lý về gan, rôm sảy…
Tây y trị nổi mẩn đỏ
Nếu tình trạng nổi mẩn đỏ trên da khiến người bệnh cực kỳ khó chịu, mệt mỏi hoặc mẩn đỏ lan rộng thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc Tây. Hai nhóm thuốc được sử dụng phổ biến là nhóm thuốc trị triệu chứng của bệnh và nhóm thuốc giúp trị tận gốc căn nguyên gây bệnh.
Nhóm thuốc điều trị triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy
Các loại thuốc trong nhóm này thường được chỉ định để giảm thiểu cơ thể sản sinh histamin (hoạt chất gây ngứa ngáy và nổi mẩn trên da). Các loại thuốc thường được sử dụng để giảm mẩn đỏ:
- Thuốc kháng histamin H1: Loại thuốc này thường giúp giảm triệu chứng nổi mẩn đỏ và ngứa da nhanh chóng vì chúng giúp ức chế những tác động của histamin gây ra các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ.
- Thuốc chứa corticoid: Loại thuốc giảm ngứa, chống viêm tại vùng da bị mẩn đỏ nhanh chóng. Nó thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc viêm da cơ địa, vảy nến, lupus ban đỏ… Tuy nhiên, thuốc này có thể gây mỏng da, teo da, ảnh hưởng đến thận nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài. Do vậy, người bệnh chỉ nên dùng corticoid khi có chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng các loại kem bôi trị ngứa: Sản phẩm này có chứa các hoạt chất giúp dưỡng ẩm da, giảm mẩn ngứa trên da. Chúng có thể chứa corticoid hoặc không, do vậy người bệnh nên đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi lựa chọn.
Nhóm thuốc giúp điều trị căn nguyên gây bệnh
Để sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần biết mình đang bị nổi mẩn đỏ do nguyên nhân nào. Nếu nổi mẩn đỏ do mề đay, dị ứng bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc histamin để giảm triệu chứng. Người bệnh chỉ cần không tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thì mẩn đỏ sẽ cải thiện sau vài ngày. Nếu mẩn đỏ xảy ra do các bệnh tự miễn, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch.
Nổi mẩn đỏ xảy ra do bệnh lý ở gan, thận thì người bệnh cần sử dụng thuốc để điều trị triệt để bệnh. Khi bệnh cải thiện thì tình trạng mẩn đỏ, phát ban trên da cũng giảm.
Mặc dù các loại thuốc Tây y giúp điều trị nhanh triệu chứng của tình trạng mẩn đỏ trên da, nhưng phương pháp này cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ. Bởi vậy, người bệnh không tự ý dùng thuốc, thay đổi liều lượng để tránh nguy hiểm tới sức khỏe.
Đông y
Theo Đông y, tình trạng nổi mẩn đỏ trên da có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như dương phong, thủy giới, ẩn chẩn… Do vậy, để lựa chọn bài thuốc phù hợp, người bệnh nên đến các phòng khám Đông y hoặc bệnh viện y học cổ truyền để được bắt mạch và bốc thuốc.
Điều trị mẩn đỏ trên da bằng các bài thuốc Đông y được nhiều người bệnh tin tưởng áp dụng vì chúng có nhiều ưu điểm. Các vị thuốc Đông y có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên nên nó thường khá an toàn, ngay cả khi phải sử dụng lâu dài. Thêm vào đó, chúng cũng giúp tác động vào căn nguyên gây bệnh, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan trong cơ thể nên sẽ giúp giảm thiểu tình trạng mẩn ngứa trên da.
Các bài thuốc Đông y trị nổi mẩn đỏ trên da phổ biến:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị rễ cây địa hoàng, thân và lá của cây kim ngân hoa, cỏ nhọ nồi mỗi loại 12g. Cho tất cả các vị thuốc trên vào một ấm nước sôi sau đó hãm lấy nước uống hàng ngày. Bài thuốc trên giúp giảm nổi mẩn đỏ trên da do mề đay, dị ứng hiệu quả.
- Bài thuốc 2: Dùng 200g dạ dao đằng (lá và thân của cây hà thủ ô), thương nhĩ tử tán, gai sầu mỗi loại 100g, bạch tiên 20g, hơn hoa tiêu, thuyền thoái mỗi loại 20g. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào sắc với 5 lít nước trong 20 phút sau đó lọc lấy nước, bỏ bã đi. Chờ nước nguội dần sau đó dùng để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị bệnh.
- Bài thuốc 3: Dùng thuyền thoái (xác con ve sầu), cát cánh, thiên phòng phong, khương hoạt, bắc sài hồ, kinh giới, độc hoạt, bạch tiên, kim ngân hoa, hoàng hoa địa hinh, bạch linh. Tùy vào mức độ của bệnh mà thầy thuốc sẽ gia giảm liều lượng phù hợp. Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm và sắc cùng 2 lít nước trong 1 giờ đồng hồ sau đó tắt bếp. Lọc lấy nước và uống ngày 3 lần sau khi ăn. Nên kiên trì áp dụng bài thuốc để thấy các triệu chứng nổi mẩn đỏ do viêm da dị ứng, viêm da tiết bã… giảm nhanh chóng.
Các bài thuốc Đông y giúp điều trị hiệu quả tình trạng nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng với những trường hợp bị mẩn đỏ nhẹ đến trung bình, không nên áp dụng cho người bị bệnh nặng. Thêm vào đó, hiệu quả của các bài thuốc Đông y tương đối chậm, cách sắc thuốc cũng khá phức tạp, do vậy người bệnh nên kiên trì khi áp dụng.
Cách phòng ngừa tình trạng nổi mẩn đỏ
Khi bị mẩn đỏ và ngứa da, ngoài tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, thầy thuốc, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
- Uống đủ nước hàng ngày để giúp dưỡng ẩm da và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể
- Bổ sung các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch nói chung và sức khỏe làn da nói riêng.
- Dưỡng ẩm da hàng ngày sau khi tắm để tránh khô da, ngứa da.
- Thử mỹ phẩm trước khi sử dụng để phát hiện xem bản thân có dị ứng hay không. Nếu thấy da nổi mẩn đỏ sau khi dùng bất kỳ sản phẩm nào thì nên ngừng dùng ngay,
- Dùng kem chống nắng hàng ngày và che chắn cẩn thận khi nắng nóng hoặc đến những nơi có không khí ô nhiễm.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.
- Nên vệ sinh cơ thể hàng ngày để làn da luôn sạch sẽ.
- Tránh mặc quần áo bó sát và nên lựa chọn quần áo được làm từ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi.
- Nếu có cơ địa dị ứng thì nên hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật…
- Thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện các bệnh lý gan, thận tiềm ẩn, từ đó có phương pháp điều trị sớm.
Trên đây là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng mẩn đỏ trên da. Hy vọng, bệnh nhân sẽ có thêm kiến thức về bệnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân. Nếu có triệu chứng nổi mẩn đỏ trên da, tốt nhất người bệnh nên đến phòng khám hoặc bệnh viện để được xác định nguyên nhân và hướng dẫn cách điều trị phù hợp.
Theo: Y Tế Bắc Kạn
TÌM HIỂU THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!