Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Viêm amidan hốc mủ là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến.Tuy nhiên để hiểu biết về bệnh thì bạn đọc cần tham khảo và tìm hiểu rất nhiều. Bài viết sau đây xin đưa ra một số thông tin cần thiết cho bạn đọc để có thể phòng ngừa và điều trị bệnh một cách đúng đắn.

Viêm amidan hốc mủ là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Viêm amidan hốc mủ là một loại bệnh lý đặc biệt của viêm amidan mạn tính. Người bệnh xuất hiện tình trạng viêm nhiễm nặng, quá mức tại các hốc của amidan. Khi quan sát bằng mắt có thể dễ thấy các khối mủ trắng bám vào bề mặt của amidan bị sưng đỏ, các mảng mủ này thường vón lại thành cục như bã đậu. Chính vì vậy mà bệnh được gọi là viêm amidan hốc mủ.

Amidan bị sưng đỏ và xuất hiện các khối mủ trắng vón cục như bã đậu
Amidan bị sưng đỏ và xuất hiện các khối mủ trắng vón cục như bã đậu

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ở lứa tuổi này, nếu bố mẹ không quan tâm đến các biểu hiện bất thường của con trẻ, thì rất dễ khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Ngoài ra, những người có sức đề kháng yếu như người già, người mắc bệnh mãn tính cũng cần cẩn thận vì nguy cơ mắc bệnh khá cao.

Thực chất, căn bệnh này không phải là bệnh nan y khó chữa. Nếu phát hiện sớm và có các biện pháp xử lý kịp thời thì có thể điều trị khỏi. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp bệnh diễn biến phức tạp lên và gây ra nhiều biến chứng viêm amidan nguy hiểm như:

  • Các biến chứng tại chỗ: Amidan từ viêm nhiễm, sẽ chuyển sang giai đoạn bội nhiễm nặng nề. Các vi khuẩn phát triển và sinh sôi nhanh chóng, rồi lan rộng ra khắp amidan. Từ đó gây nên tình trạng viêm amidan cấp tính đột ngột hoặc áp xe vùng amidan. Bệnh nhân sẽ sốt cao, đau họng dữ dội và thay đổi chất giọng.
  • Các biến chứng xung quanh: Vi khuẩn từ ổ viêm ở amidan lan sang các khu vực xung quanh. Từ đó làm viêm nhiễm tai – mũi – họng, viêm thanh khí quản, viêm phổi, viêm phế quản,… Do đó, tình trạng viêm nhiễm càng trở nên nghiêm trọng do khó kiểm soát.
  • Các biến chứng toàn thân: Viêm amidan có thể gây ra biến chứng toàn thân nguy hiểm là viêm khớp, viêm cầu thận, viêm màng tim,… Người bệnh ở giai đoạn này thường có biểu hiện rõ ràng nhất là phù ở các chi, phù ở mặt, tim suy yếu. Thậm chí, còn gặp trường hợp vi khuẩn đi vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết toàn thân. Nếu xảy ra tình trạng này, đa số các trường hợp sẽ tử vong vì sốc nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân và triệu chứng khi mắc viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan hốc mủ do nhiều nguyên nhân khác nhau và các triệu chứng thường giống với các bệnh về đường hô hấp nên khó để nhận biết. Cụ thể các thông tin như sau:

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân được thống kê gây ra bệnh viêm amidan hốc mủ. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:

  • Do vi khuẩn, virus gây hại: Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể nói chung. Do amidan nằm ở ngay họng, nơi thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài, nên rất dễ nhiễm khuẩn. Đặc biệt khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các tác nhân này sẽ nhân cơ hội tấn công và gây nên viêm nhiễm.
  • Do tạng bạch huyết: Viêm amidan hốc mủ có thể xuất hiện ở một số người có tạng bạch huyết phát triển. Sự phát triển quá mức của cơ quan này ở vùng cổ họng dẫn đến viêm nhiễm amidan.
Viêm amidan hốc mủ có thể gặp ở những người có tạng bạch huyết phát triển bất thường
Viêm amidan hốc mủ có thể gặp ở những người có tạng bạch huyết phát triển bất thường
  • Vị trí và cấu trúc của amidan: Amidan nằm ở nơi tiếp xúc nhiều với bên ngoài nên rất dễ bị tổn thương. Đồng thời do cấu trúc của nó có nhiều các hốc và khe, do đó khi vi khuẩn xâm nhập vào có nhiều chỗ để cư trú và hình thành các ổ viêm nhiễm. Nghiêm trọng hơn, khi chúng phát triển nhanh sẽ gây làm mưng mủ và gây áp xe các khu vực xung quanh.
  • Môi trường sống: Thời tiết thay đổi nóng lạnh đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi. Vào thời điểm giao mùa, nhiều người mắc các bệnh lý đường hô hấp, trong đó bao gồm cả viêm amidan hốc mủ.
  • Do cơ địa: Một số người có cơ địa nhạy cảm hơn bình thường. Khi gặp các tác nhân như khói, bụi, phấn hoa hoặc các chất hóa học, họ dễ mắc bệnh hơn.
  • Người bệnh mắc bệnh lý khác: Nếu đã mắc các bệnh lý khác liên quan đến đường hô hấp như: Viêm mũi, viêm tai giữa… thì người bệnh cũng dễ mắc viêm amidan hốc mủ. Đó là do các bộ phận tai – mũi – họng có liên quan mật thiết với nhau, vi khuẩn từ nơi này rất dễ xâm nhập đến nơi khác.
  • Do không điều trị dứt điểm viêm amidan cấp: Viêm amidan hốc mủ là một trong những biến chứng của viêm amidan cấp. Nếu điều trị bệnh hời hợt, không trị tận gốc, tình trạng viêm nhiễm của amidan sẽ càng nặng nề. Cuối cùng sẽ gây ra các ổ viêm nhiễm, mưng mủ nghiêm trọng tại các hốc amidan.

Triệu chứng

Để phát hiện bệnh sớm, người bệnh cần lưu ý về triệu chứng của bệnh. Đối với bệnh viêm amidan hốc mủ, các triệu chứng ban đầu thường khá giống tình trạng viêm cấp tính. Người bệnh sẽ có hiện tượng đau rát họng, đặc biệt là khi nói, amidan sưng to, khó nhai nuốt khi ăn uống,…

  • Amidan sưng to và nóng đỏ. Quan sát thấy có mủ trắng xuất hiện ở trên màng amidan, thậm chí còn lan sang toàn bộ vòm họng.
  • Xuất hiện mủ màu trắng ngà, vón thành các cục mọc lốm đốm, li ti trên bề mặt amidan. Khi mủ xuất hiện nhiều, có thể kết thành các cục đông vón lại, gây ra sự lợn cợn ở vòm họng người bệnh.
  • Người bệnh có thể sốt cao đột ngột, có thể lên đến 40 độ C.
  • Khi nói thấy âm thanh khàn, hơi thở ngắt quãng, khò khè. Cổ họng luôn trong tình trạng có đờm nên rất khó chịu và hay ho khan hoặc ho có đờm.
  • Tình trạng hôi miệng xảy ra, do các vi khuẩn xuất hiện nhiều trong miệng.
  • Có biểu hiện chán ăn, ăn uống kém, không có vị giác và không tiêu hóa được thức ăn. Điều này khiến cơ thể càng trở nên mỏi mệt.
Người bệnh viêm amidan hốc mủ thường bị hôi miệng nặng nề
Người bệnh viêm amidan hốc mủ thường bị hôi miệng nặng nề

Do các biểu hiện cũng khá tương tự với cảm cúm thông thường, nên nhiều người không để tâm đến chúng. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh mới đi khám bác sĩ. Lúc này bệnh đã phát triển đến giai đoạn mới.

Chẩn đoán và phương pháp điều trị viêm amidan hốc mủ

Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng đã kể trên, thì nên đến các cơ sở y tế để khám ngay lập tức. Người bệnh sẽ được tiếp nhận các hình thức kiểm tra, thăm khám và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, để hiệu quả chữa bệnh được tốt nhất.

Chẩn đoán viêm amidan hốc mủ

Hiện nay để chẩn đoán viêm amidan hốc mủ, các bác sĩ sẽ tiến hành nhiều phương pháp khác nhau. Những phương pháp chẩn đoán chính xác nhất gồm có:

Chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng

Thông thường khi đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, người bệnh đã xuất hiện một số triệu chứng bất thường. Lúc này người bệnh cần thông báo cho các bác sĩ các thông tin một cách chính xác nhất. Các thông tin bác sĩ hỏi gồm: Các dấu hiệu người bệnh mắc phải, môi trường sống và chế độ sinh hoạt của bệnh nhân,…

Xét nghiệm dịch vùng hầu họng

Người bệnh được lấy dịch ở khoang miệng – hầu – họng. Sau đó, các bác sĩ sẽ phân tích mẫu dịch để tìm ra các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Đây được coi là loại xét nghiệm chính xác nhất trong việc chẩn đoán viêm amidan hốc mủ.

Xét nghiệm máu

Các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh xét nghiệm máu toàn phần. Từ kết quả phân tích công thức máu sẽ đưa ra được kết luận về tình hình phát triển của bệnh.

Nội soi tai – mũi – họng

Do bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp, nên sẽ được tiến hành nội soi khu vực tai – mũi – họng. Thông qua camera gắn ở đầu ống nội soi, các bác sĩ sẽ có được hình ảnh rõ nét nhất về khu vực viêm nhiễm. Điều này rất quan trọng, bởi cho biết các ổ viêm nhiễm đang ở mức độ nào, và các khu vực xung quanh đã bị viêm nhiễm hay chưa.

Nội soi tai – mũi – họng được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh đường hô hấp
Nội soi tai – mũi – họng được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh đường hô hấp

Đọc thêm:

Điều trị bằng Tây y

Hiện nay, nhiều bệnh nhân phát hiện mắc viêm amidan hốc mủ lựa chọn phương pháp điều trị Tây y. Theo đó sẽ có điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa, tùy từng bệnh nhân mà sẽ áp dụng biện pháp thích hợp nhất.

Sử dụng thuốc Tây y

Các thuốc kê cho người bệnh có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh một cách nhanh chóng. Nhờ đó, người bệnh bớt khó chịu và trở lại cuộc sống bình thường. Các bác sĩ thường tiến hành kê các nhóm thuốc sau trong đơn thuốc:

  • Thuốc kháng sinh: Amoxicillin, Penicillin, Augmentin,… Các thuốc này có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn rất tốt. Nhờ đó, nguyên nhân gây bệnh được điều trị một cách triệt để.
  • Thuốc chống viêm: Người bệnh viêm amidan hốc mủ gặp tình trạng viêm nhiễm nặng nề. Do đó, để giảm viêm nhiễm, người bệnh được kê các thuốc như oropivalone, lysopaine, corticosteroid,…
  • Thuốc hạ sốt: Khi bị vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nghiêm trọng, cơ thể thường có cơ chế gây sốt để bảo vệ. Tuy vậy, khi người bệnh sốt quá cao trên 39 độ C, cần phải hạ sốt ngay, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng. Thông thường, sử dụng các thuốc như: Paracetamol, Ibuprofen,…
  • Thuốc giảm ho, long đờm: Ho khan, ho có đờm đặc là các triệu chứng của bệnh. Để làm các triệu chứng biến mất có thể sử dụng Acemuc, viên ngậm ho,…

Đặc biệt khi sử dụng các loại thuốc Tây để chữa bệnh, người bệnh cần chú ý tuân theo chỉ định và phác đồ điều trị mà bác sĩ đã kê trong đơn thuốc. Không nên tự ý tăng hay giảm hoặc ngừng thuốc để tránh các hậu quả khó kiểm soát.

Điều trị ngoại khoa cắt amidan

Trong một số trường hợp, amidan bị viêm nhiễm quá mức, buộc phải chỉ định cắt bỏ. Thông thường, điều trị ngoại khoa được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Amidan sưng viêm quá to, làm che lấp đường hô hấp, gây khó khăn trong việc hít thở.
  • Bệnh nhân đã sử dụng thuốc uống trong thời gian dài mà chưa thấy tiến triển tích cực của bệnh.
  • Viêm amidan hốc mủ điều trị mãi không khỏi, thường xuyên tái phát.
  • Người bệnh có xuất hiện biến chứng nặng như suy tim, suy phổi, áp xe amidan…
Hình ảnh vùng miệng của người bệnh sau khi kết thúc ca phẫu thuật cắt bỏ amidan
Hình ảnh vùng miệng của người bệnh sau khi kết thúc ca phẫu thuật cắt bỏ amidan

Khi cắt bỏ amidan, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng dao điện lưỡng cực hoặc đơn cực. Nhờ việc cắt bỏ amidan bị viêm, các triệu chứng của bệnh cũng nhanh chóng chấm dứt. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này đôi khi tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần cân nhắc kỹ có nên tiến hành hay không.

Chữa viêm amidan hốc mủ bằng Đông y

Điều trị bệnh bằng Tây y đôi khi gây ra nhiều rủi ro và tác dụng phụ đối với sức khỏe. Do đó, nhiều người có xu hướng tìm hiểu phương pháp chữa bệnh bằng Đông y an toàn và hiệu quả cao. Sau đây là một số bài thuốc Đông y thường được sử dụng:

Bài thuốc số 1

Đây là bài thuốc làm giảm các triệu chứng của bệnh như sốt cao, đau họng, lạnh đột ngột,… Người bệnh sử dụng bài thuốc này sẽ đạt hiệu quả cao sau khoảng 2 tuần sử dụng.

Thành phần: Ngân hoa, cam thảo, bạc hà, ngưu bàng tử, hoàng cầm, mã thầy

Cách dùng:

  • Rửa sạch các nguyên liệu bằng nước rồi đem đun với khoảng 1000ml nước.
  • Nước sau khi đun có chứa các dược chất tốt cho sức khỏe.
  • Người bệnh nên uống liên tục mỗi ngày một thang thuốc.

Bài thuốc số 2

Bài thuốc này dùng các vị thuốc quen thuộc và có tác dụng tốt trong việc điều trị triệu chứng bệnh. Ngoài ra, một số vị dược liệu có tác dụng chống khuẩn rất tốt, bảo vệ amidan và các cơ quan khác trong cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh.

Thành phần: Bạc hà, huyền sâm, bạch cương tàm, xích thược, tang bì, liên kiều, kinh giới.

Cách dùng:

  • Sắc các dược liệu với 1 lít nước sạch bằng nồi sắc thuốc.
  • Nước thuốc được chia thành 3 – 4 phần để uống dần trong một ngày.

Các bài thuốc đông y có tác dụng rất tốt điều trị bệnh tận gốc và điều trị các triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh cần dùng liên tục trong thời gian dài để đạt được hiệu quả trị bệnh.

Mẹo dân gian điều trị viêm amidan hốc mủ

Từ lâu đã lưu truyền các mẹo chữa bệnh sử dụng các nguyên liệu quen thuộc. Các mẹo này khá hiệu quả, ai cũng có thể làm theo được. Tuy nhiên, nó chỉ dùng trong các trường hợp bệnh đang ở giai đoạn đầu, chưa xuất hiện các biến chứng.

Mẹo dùng lá hẹ để điều trị bệnh

Lá hẹ theo Đông y có vị cay và ngọt, tính ấm. Trong thành phần có chứa nhiều vitamin B, A, K, C, và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như chất xơ, sắt, đồng,… Do đó, nếu sử dụng lá hẹ đúng cách sẽ giúp tăng cường sức khỏe, điều trị cảm mạo, giải độc, giảm viêm nhiễm tốt.

Lá hẹ thường được sử dụng để chữa viêm amidan hốc mủ
Lá hẹ thường được sử dụng để chữa viêm amidan hốc mủ

Cách dùng:

  • Cho một nắm lá hẹ tươi đã rửa sạch, 1 nhánh gừng đã bỏ vỏ cùng 2 thìa mật ong vào nồi.
  • Hấp cách thủy phần trên trong khoảng 15 đến 20 phút.
  • Chỉ lấy phần nước để uống mỗi ngày.

Tỏi là vị thuốc trị viêm amidan hốc mủ tốt

Tỏi là một gia vị quen thuộc được sử dụng hằng ngày. Trong tỏi có nhiều chất quan trọng như: Allicin, diallyl sulfide, ajoene,… Các thành phần này khiến tỏi có tác dụng sát khuẩn, giải độc, tiêu hạch rất tốt.

Cách dùng:

  • Tỏi được bóc bỏ vỏ ngoài. Cho các tép tỏi đã rửa vào chai rồi đổ mật ong vào đến ngập chai.
  • Thông thường, chỉ cần ngâm ít nhất 1 đêm là có thể uống. Mỗi ngày uống từ 1 đến 2 thìa mật ong tỏi.

Dùng rau diếp cá để chữa bệnh

Rau diếp cá là loại thảo dược thường được dùng để hạ sốt và giảm viêm nhiễm rất tốt. Trong thành phần của loại rau này có chứa nhiều tinh dầu giúp chống viêm, giảm sưng, sát trùng và hạ nhiệt.

Cách dùng:

  • Dùng khoảng 1 mớ rau diếp cá rửa sạch với nước.
  • Có thể lấy cối giã tay hoặc dùng máy xay nhuyễn rau với nước.
  • Sau đó lọc loại bỏ phần bã, lấy nước để uống.

Biện pháp phòng tránh viêm amidan hốc mủ trong cuộc sống

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau để tránh biến chứng của bệnh:

Vệ sinh răng miệng hằng ngày

  • Chú ý đánh răng ít nhất ngày 2 lần, ngay sau khi ăn.
  • Dùng nước súc miệng hoặc nước sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn trong vòm họng.
  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng sau bữa ăn là một cách đang được khuyến khích.
Dùng chỉ nha khoa làm sạch răng miệng là một thói quen tốt giúp phòng ngừa bệnh
Dùng chỉ nha khoa làm sạch răng miệng là một thói quen tốt giúp phòng ngừa bệnh

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý

  • Tăng cường các loại rau xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày như: Súp lơ, xà lách, cải ngọt,….
  • Không ăn các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm như đồ ăn cay nóng, các thịt hải sản như tôm, cá,…
  • Uống nước ấm thường xuyên. Không nên uống nước đá, vì sẽ gây lạnh và viêm họng.

Có thói quen sinh hoạt lành mạnh

  • Khi ra đường cần đeo khẩu trang, che kín miệng và mũi.
  • Đi ra ngoài gió cần mặc áo kín cổ hoặc đeo khăn quàng đủ ấm.
  • Không hét lớn, nói to, nói nhiều. Vì các hành động này sẽ dễ gây viêm họng và các bệnh lý khu vực hầu họng.
  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để có sức khỏe chống lại các bệnh tật.

Viêm amidan hốc mủ là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính. Bài viết trên đây đã chia sẻ nhiều thông tin cần thiết liên quan đến bệnh. Từ đó, hy vọng các bạn có kiến thức để phòng tránh và chữa trị hiệu quả căn bệnh này.

Tìm hiểu thêm:

Theo: Y tế Bắc Kạn

5/5 - (8 bình chọn)

Kiểm tra sức khỏe của bạn
BẠN ĐANG GẶP NHỮNG TRIỆU CHỨNG VIÊM AMIDAN NÀO?

Nhập thông tin của bạn để nhận kết quả

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *